Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 19/05/2022
Ngày có hiệu lực 19/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 19 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 3458/QĐ-BNN-TCLN ngày 03/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất.

- Lồng ghép các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong Kế hoạch quản lý rừng bền vững tỉnh Ninh Bình hàng năm và các kế hoạch khác có cùng mục tiêu.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động phải đảm bảo đầy đủ các nội dung, sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Cụ thể hóa các yêu cầu trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp; nâng cao tính chủ động và sự hợp tác giữa các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp; huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, đưa lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

2.1. Về kinh tế

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 0,3%/năm.

- Tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có.

- Trồng rừng tập trung bình quân 385 ha/năm

+ Trồng rừng sản xuất bình quân 300 ha/năm

+ Trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bình quân 85 ha/năm

- Nuôi dưỡng, làm giàu rừng đặc dụng, phòng hộ bình quân 200 ha/năm

- Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân 36.230 m3/năm

- Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật; diện tích cho thuê môi trường rừng đạt 11.611,45 ha vào năm 2030.

2.2. Về xã hội

- Tạo việc làm, thực hiện xã hội hóa việc bảo vệ và phát triển rừng; liên doanh liên kết để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất; cho thuê môi trường rừng phát triển du lịch sinh thái; nâng cao đời sống cho người dân địa phương sống gần rừng.

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng tại những khu vực đi lại khó khăn trên cơ sở kết hợp các mục tiêu: Tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhu cầu dân sinh, du lịch sinh thái.

- Tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã.

2.3. Về môi trường

[...]