ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5028/KH-UBND
|
Ninh Thuận, ngày 12 tháng 12 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI
ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị
số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ,
đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và triển khai thực
hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự,
an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới. Nhằm đảm bảo trật tự
an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân theo tiêu chí xây
dựng văn hóa giao thông gắn với mục tiêu vì bình yên sông nước;
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày
18/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo trật
tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; Quyết định số
333/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi
phạm và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm
tra, xử lý vi phạm trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội
địa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Nâng cao nhận thức và ý thức chấp
hành của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh;
- Nâng cao trách nhiệm trong công tác
quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đối với hoạt động giao thông thủy nội địa;
đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách, góp phần phát triển kinh tế -
xã hội và đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.
2. Yêu cầu:
- Đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng
bộ giữa Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các Sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong quá
trình chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
trong hoạt động thủy nội địa trên
địa bàn tỉnh; thực hiện năm 2016 là năm an toàn giao thông với chủ đề “Xây dựng
văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người
thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; góp phần xây dựng văn hóa giao thông đường thủy nội địa trên
địa bàn tỉnh;
- Mọi trường hợp vi phạm về trật tự
an toàn giao thông, vi phạm trong hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy
nội địa phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo đúng quy định của pháp luật,
góp phần làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông ở địa phương.
II. NỘI DUNG
1. Đối tượng kiểm tra: Các tổ chức, cá nhân có tham gia kinh doanh vận tải thủy nội địa; các
đơn vị quản lý, khai thác bến thủy nội địa, luồng tuyến thủy nội địa, các hoạt
động liên quan đến hoạt động thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
2. Lĩnh vực kiểm tra:
a) Kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự
an toàn giao thông đường thủy nội địa:
- Việc thực hiện các quy định về hoạt
động Bến thủy nội địa, bến khách
ngang sông;
- Các quy định về vận tải hàng hóa, vận
tải hành khách; phòng, chống cháy nổ đối với phương tiện kinh doanh vận tải đường
thủy nội địa;
- Việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm
phương tiện; Bằng, Chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện thủy nội địa;
- Các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa
phương tiện thủy nội địa;
- Các công trình xây dựng, thi công
vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn
giao thông thủy nội địa;
- Các vi phạm về khai thác cát, sỏi
lòng sông; bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép; tình trạng lấn chiếm hành lang
an toàn đường thủy và luồng chạy
tàu, thuyền để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
b) Rà soát đánh giá, xác định các vị
trí nguy hiểm trên các tuyến đường thủy nội địa có nguy cơ gây mất an toàn giao
thông để tham mưu, đề xuất biện pháp phòng ngừa;
c) Làm việc với các địa phương có
tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa phức tạp như: Xã Vĩnh Hải,
xã Công Hải, xã Cà Ná, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và một số địa phương có
các hồ, đập thủy lợi có hoạt động thủy nội địa đề xuất giải pháp khắc phục;
d) Kiểm tra, xử lý việc chấp hành các
quy định về cấp phép đầu tư, kinh doanh hoạt động các lĩnh vực có
liên quan đến hoạt động thủy nội địa;
đ) Kiểm tra, xử lý việc thực hiện
nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản đảm bảo trật tự an toàn vận tải thủy nội
địa;
e) Kiểm tra, xử lý các vi phạm về
khai thác, sử dụng tài nguyên biển và môi trường biển liên quan đến hoạt động thủy nội địa;
g) Kiểm tra, xử lý các hoạt động du lịch,
kinh doanh ăn uống có liên quan đến hoạt động thủy nội địa (Nhà bè nổi,...);
h) Phối hợp với các với các cơ quan
thông tin và truyền thông của tỉnh và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục ý thức tự giác chấp
hành Luật giao thông đường thủy nội địa, trật tự an toàn giao thông đường thủy
nội địa và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính với các nhóm hành vi này.
3. Đơn vị phối hợp:
- Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Sở Giao thông vận tải (Thanh tra
giao thông, phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Trung tâm Đăng kiểm);
- Công an tỉnh (Cảnh sát giao
thông đường thủy; cảnh sát Phòng cháy chữa cháy);
- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Sở Tài nguyên Môi trường;
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông
thôn;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
có hoạt động thủy nội địa (Công an huyện, Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế hạ tầng, Ủy ban nhân dân xã);
- Vườn Quốc gia Núi chúa.
4. Nguyên tắc phối hợp:
a) Việc phối hợp kiểm tra liên ngành và
xử lý vi phạm có liên quan đến hoạt động thủy nội địa phải được thành lập Tổ
công tác liên ngành, lãnh đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh là Tổ trưởng
và các Tổ phó là lãnh đạo cấp phòng của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội biên
phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các Sở, ban ngành có liên quan;
b) Các đơn vị phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định
của pháp luật, theo Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm và tìm kiếm, cứu hộ,
cứu nạn giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 333/QĐ-UBND
ngày 25/8/2016 của Ủy
ban nhân dân tỉnh
ban hành). Căn cứ theo chức năng, thẩm quyền quản lý lĩnh vực chuyên ngành của cơ
quan, đơn vị mình tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các trường
hợp vi phạm. Trong trường hợp thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, Tổ
trưởng sẽ phân công đơn vị thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật;
c) Tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất
hoạt động giao thông thủy (khi phát sinh các điểm nóng về mất an toàn giao thông thủy nội địa);
d) Sử dụng các trang thiết bị, phương
tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ đã được trang bị của từng cơ quan tham gia
công tác phối hợp theo quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Trách nhiệm của các Sở, ngành, địa
phương:
a) Sở Giao thông vận tải:
- Là cơ quan chủ trì trong công tác
phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thủy nội địa trên địa
bàn tỉnh theo Quy chế phối hợp kiểm
tra, xử lý vi phạm và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa
trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (tại Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 về việc ban
hành);
- Chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận
tải; Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới
đường bộ tỉnh; phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái; phòng Quản lý kết
cấu hạ tầng giao thông cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành
và tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực
hoạt động thủy nội địa;
- Qua kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm
tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động
giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiến nghị các ngành, địa
phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực
có liên quan đến hoạt động thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý.
b) Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
lực lượng tham gia phối hợp xây dựng
và ký ban hành lịch kiểm tra cụ thể để thực hiện Kế hoạch này; tham mưu thường trực Ban An toàn giao thông
tỉnh (được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền) thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành;
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi,
đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt; tổng hợp kết quả thực hiện;
tổ chức sơ, tổng kết, đề xuất khen thưởng, kỷ luật theo quy định;
- Phối hợp với các cơ quan, lực lượng
phối hợp khác tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao
thông đường thủy theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lập dự toán kinh phí phục
vụ hoạt động trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.
c) Công an tỉnh:
- Bố trí đủ lực lượng, phương tiện phối
hợp thực hiện khi được phân công;
- Thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi
phạm hành chính, tiến hành lập biên bản và xử lý phạm hành chính theo thẩm quyền
quy định tại Nghị định số
132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;
- Áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc
phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm
quyền;
- Điều tra, xử lý tai nạn giao thông
đường thủy nội địa; thống kê, báo cáo Ban an toàn giao thông tỉnh về tai nạn
giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định
về phòng cháy, chữa cháy; xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy
chữa cháy; thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, lập hồ
sơ quản lý, theo dõi về công tác phòng cháy, chữa cháy;
- Quản lý dịch vụ lưu trú du lịch, du
lịch lữ hành có liên quan đến người nước ngoài.
d) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Chỉ đạo các Đồn, Trạm Biên phòng nơi có hoạt động thủy nội địa cử cán bộ, chiến
sĩ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức
năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an toàn xã hội;
chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra, vào hoạt động
trong khu vực biên giới biển;
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tăng
cường công tác phối hợp, trao đổi tình hình, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tuần
tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông thủy nội địa và giữ gìn trật tự an toàn
xã hội; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, tiến hành công tác điều
tra ban đầu vụ việc theo chức năng, thẩm quyền khi có tai nạn thủy nội địa xảy
ra;
- Thực hiện việc kiểm tra, phát hiện
vi phạm hành chính và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo thẩm quyền
quy định tại Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
đ) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động
kinh doanh các dịch vụ lưu trú du lịch, lữ hành du lịch, dịch vụ vui chơi giải
trí, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật và các dịch vụ phục vụ khách du lịch được tổ
chức trên phương tiện thủy nội địa, nhà hàng nổi, khách sạn nổi;
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định
về thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy nội địa;
giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch; không để hoạt động của các phương
tiện thể thao, vui chơi giải trí làm ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường thủy
nội địa.
e) Sở Tài nguyên Môi trường: Tổ chức
kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, đề xuất xử lý các vi phạm về khai thác, sử dụng
tài nguyên biển và môi trường biển
liên quan đến hoạt động thủy nội địa.
g) Sở Nông nghiệp và phát triển nông
thôn: Chỉ đạo Chi cục thủy sản phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố ven biển kiểm tra, xử lý hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản
đảm bảo trật tự an toàn thủy nội địa; không để ngư dân neo
đậu phương tiện, thả lưới, ngư cụ làm ảnh hưởng đến luồng
tuyến đường thủy nội địa.
h) Sở Kế hoạch Đầu tư: Tham gia phối
hợp với các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan tổ
chức kiểm tra việc chấp hành về điều kiện kinh doanh đối với các tổ chức, doanh
nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; xử lý
hoặc đề nghị xử lý tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo quy định không làm ảnh
hưởng đến hoạt động giao thông thủy nội địa.
i) Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố có hoạt động thủy nội địa:
- Phân công các lực lượng có liên
quan tham gia Đoàn kiểm tra liên
ngành;
- Tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm,
đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực giao thông thủy
nội địa và các lĩnh vực khác liên quan thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của địa
phương;
- Chủ trì theo dõi, giám sát việc chấp hành các nội dung xử lý
vi phạm theo đề nghị của Đoàn kiểm
tra liên ngành.
k) Vườn Quốc gia Núi chúa: Tổ chức kiểm
tra, xử lý đối với các trường hợp các phương tiện thủy thăm san hô không đúng
tuyến hành trình thuộc khu vực biển
do Vườn Quốc gia núi chúa quản lý; bố trí phương tiện do đơn vị quản lý phục vụ
công tác kiểm tra của Đoàn kiểm
tra liên ngành.
l) Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn
giao thông tỉnh, các cơ quan, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, đưa tin về kết quả kiểm tra. Đồng thời, biểu dương những cá nhân, tổ chức thực hiện
tốt các quy định về an toàn giao thông thủy nội địa; phê bình những cá nhân, tổ chức chưa thực hiện tốt
nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông thủy.
2. Kinh phí thực hiện: Sử dụng nguồn
kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Ban An toàn giao thông tỉnh (chi đặc thù)
và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
3. Chế độ thông tin báo cáo: Sau mỗi
cuộc kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành phải có trách nhiệm tổng hợp kết
quả kiểm tra, gửi Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh; định kỳ hàng quý, Văn
phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban
An toàn giao thông tỉnh theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa
phương có liên quan tổ chức thực
hiện nghiêm Kế hoạch này; trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh bất cập,
khó khăn, vướng mắc yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để điều chỉnh, bổ sung cho
phù hợp./.
Nơi nhận:
- UBATGTQG (b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy,
HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các UBND tỉnh;
- Ban ATGT tỉnh;
- Các thành viên Ban ATGT tỉnh;
- Các Sở: GTVT, VHTTDL, TNMT,
NNPTNT, KHĐT;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công an tỉnh,
BCHBĐBP;
- Vườn Quốc gia Núi Chúa;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Ninh Thuận;
- Ban ATGT các huyện, thành phố;
- VPUB: LĐ, NC, KGVX;
- Lưu: VT. KT Nam.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Quốc Nam
|