Kế hoạch 352/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án “Tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại khu vực có khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”

Số hiệu 352/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2017
Ngày có hiệu lực 10/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Hữu Hoài
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 352/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 10 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TẠI NHỮNG KHU VỰC CÓ KHU KINH TẾ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH”

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 14/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình và Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 10/4/2013 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT.

Căn cứ Quyết định số 2376/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Đề án “Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại những khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn quốc”.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tiến tới bảo đảm TTATGT đường bộ một cách bền vững tại những khu vực có khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Công tác bảo đảm TTATGT đường bộ tại những khu vực có khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó trọng tâm là các sở, ban, ngành quản lý trực tiếp về công tác bảo đảm TTATGT và chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, người đứng đầu chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

3. Các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ tại những khu vực có khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

4. Huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhằm bảo đảm TTATGT.

5. Các giải pháp bảo đảm TTATGT phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên và liên tục.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho cán bộ quản lý, người lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác bảo đảm TTATGT nhằm giảm 5% - 10% số người chết hàng năm do tai nạn giao thông và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 100% cán bộ quản lý và người lao động làm việc trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân sống xung quanh các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT hàng năm.

- 100% lái xe cho các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tập huấn hàng năm về kỹ năng lái xe an toàn và đạo đức của người lái xe.

- Xóa bỏ 100% các điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại khu vực xung quanh các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- 100% hệ thống báo hiệu đường bộ được chuẩn hóa.

- 80% ÷ 100% các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn và vừa (trừ Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo) được kết nối xe buýt có điểm dừng, đỗ thuận tiện và an toàn trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Quản lý nhà nước

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, đặc biệt chú trọng đấu nối theo đúng quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xây dựng thêm đường gom và bãi đỗ xe trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch tuyến xe buýt, bố trí các điểm dừng, đỗ trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp có quy mô trên 100 ha.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

- Tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến bảo đảm TTATGT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

[...]