Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2018 về tăng cường biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 31/07/2018 |
Ngày có hiệu lực | 31/07/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đắk Lắk |
Người ký | Phạm Ngọc Nghị |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Đắk Lắk, ngày 31 tháng 7 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK LĂK
Qua hơn 05 năm thực hiện Chỉ thị số 02/2012/CT-UBND ngày 29/8/2012 của UBND tỉnh về “tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”; các Sở, ban, ngành, UBND các cấp đã quan tâm, triển khai, thực hiện các nội dung công tác, yêu cầu đề ra, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận của Nhân dân; do đó, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được những kết quả tích cực, tai nạn giao thông được kiềm giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, hoạt động giao thông bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn diễn ra phức tạp; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Việc kiềm giảm tai nạn giao thông chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa có giải pháp thực hiện bền vững.
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn yếu kém, lợi dụng sơ hở của lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát giao thông để thực hiện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông; phương tiện giao thông gia tăng trong khi kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập.
Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và trọng tâm là Chỉ thị số 18/2012/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP của Chính phủ và nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020 “giảm tai nạn giao thông 10% trên cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương”; đồng thời, phát huy kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 02/2012/CT-UBND-NC của UBND tỉnh “về tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh UBND tỉnh”. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Lãnh đạo các cấp, các ngành phải đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo và chỉ đạo đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng ngừa ùn tắc giao thông; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Qua đó, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, giải pháp, biện pháp để tạo bước đột phá trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Các Sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức quán triệt nghiêm túc các chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ, công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị của mình. Xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông và đưa vào là một trong những nội dung để bình xét thi đua hàng năm trong đơn vị. Bên cạnh đó, vận động cán bộ, công chức, nhân viên, hội viên... tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở con, em, người thân trong gia đình chấp hành tốt quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; không uống rượu, bia trước, trong khi điều khiển phương tiện giao thông; kỷ luật nghiêm khắc cá nhân, tổ chức vi phạm quy định này.
2. Ban An toàn giao thông tỉnh chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông”; Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về “tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và những nội dung trọng tâm trong Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông” hàng năm đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên....Công tác phối hợp tuyên truyền phải đồng bộ, thống nhất nhằm tạo ra các chiến dịch truyền thông sâu rộng, tác động trực tiếp đến mọi tầng lớp Nhân dân.
3. Công an tỉnh tập trung huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát lưu động để giám sát hoạt động giao thông, tập trung xử lý các lỗi vi phạm quy tắc giao thông, những hành vi bị nghiêm cấm là nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông, lỗi vi phạm mang tính phòng ngừa thiệt hại do tai nạn giao thông (không đội mũ bảo hiểm, không cài dây an toàn ...). Có kế hoạch huy động lực lượng Công an cấp xã tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu quả. Duy trì việc xử lý nghiêm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng; kiên quyết không để xảy ra đua xe trái phép.
Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm (tuyến giao thông nông thôn), nơi tiềm ẩn thường xảy ra tai nạn giao thông, xử lý quyết liệt, kịp thời những vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn được phân công.
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng ô tô kinh doanh vận tải hành khách sai quy định, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết.., góp phần đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trật tự, nề nếp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân.
4. Sở Giao thông vận tải siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, như: Điều kiện an toàn của phương tiện, thời gian lái xe, chở đúng tải trọng, đúng số người quy định... Kiên quyết đình chỉ hoạt động khi không đáp ứng đầy đủ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật. Có phương án huy động, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô bố trí đủ xe để phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết; duy trì chế độ bảo dưỡng, sửa chữa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của phương tiện.
Tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình đường bộ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn kết cấu công trình thuộc phạm vi quản lý; làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời xử lý những yếu tố mất an toàn giao thông liên quan đến tình trạng của cầu, đường, khảo sát, khắc phục những bất cập trong tổ chức hệ thống báo hiệu; có phương án dự phòng thiết bị, đủ phương tiện cần thiết để sẵn sàng tham gia giải quyết các tình huống phát sinh.
Tăng cường kiểm tra và siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe; đặc biệt là lái xe chở khách, xe tải và xe Container.
Đẩy mạnh việc thực hiện theo Quyết định số 994/QĐ-TTg, ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2014 - 2020 và Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ ”.
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nhất là các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện; về kích thước thùng xe tại nơi xuất phát hoặc khu vực kho, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe... để ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông trên đường bộ.
Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bên cóc” góp phần đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đi vào trật tự, nề nếp.
6. Sở Tài nguyên - Môi trường siết chặt công tác cấp giấy phép khai thác cát trên sông; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát sai quy định trên các tuyến sông; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực này, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa,
7. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; nhất là việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Nhà trường phải kết hợp với Đoàn, Đội và gia đình giáo dục học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi hoặc chưa có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy; chỉ đạo các cơ sở giáo dục có biện pháp giáo dục và hình thức xử lý đối với học sinh, sinh viên vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
8. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; định hướng dư luận để tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan thông tin đại chúng và trong Nhân dân khi thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk nâng cao chất lượng các chuyên mục, chương trình tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông, kịp thời truyền đi các thông điệp, hình ảnh, phóng sự về an toàn giao thông đến với người dân, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phê phán, lên án những hành vi vi phạm.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh đổi mới, sáng tạo trong triển khai các chương trình và xây dựng các mô hình về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để các hội viên, đoàn viên, thành viên tự giác tham gia và vận động con em, người dân trong gia đình mình chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
11. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện chở khách ngang sông, các bến đò phục vụ khách du lịch. Rà soát, kiểm tra và kiên quyết đình chỉ hoạt động của bến, phương tiện thủy không đủ điều kiện an toàn, không trang bị đủ phao cứu sinh; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn...
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; hàng năm phải có bản đăng ký các chỉ tiêu cụ thể gắn với chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, địa phương để phấn đấu thực hiện, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của đơn vị, địa phương. Đồng thời hàng năm phải có bản đăng ký chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông tại địa phương với Ban an toàn giao thông cấp trên.
12. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh định kỳ theo dõi việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, nghiêm túc phê bình các cơ quan, đơn vị, tổ chức có người vi phạm trật tự, an toàn giao thông và những quy định tại Chỉ thị này.
Giao cho Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.