Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg “về tăng cường giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu | 137/KH-UBND |
Ngày ban hành | 14/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 14/09/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Nguyễn Văn Phương |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 137/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 09 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 23/CT-TTG NGÀY 05/7/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ “VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG TÌNH HÌNH MỚI”
Trong những năm qua, các ban, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo; tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm an toàn đường thủy nội địa; duy trì trật tự, kỷ cương hoạt động giao thông đường thủy; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực; từ năm 2007 đến nay, tai nạn giao thông đường thủy không để xảy trên địa bàn. Tuy nhiên, thực trạng quản lý, vận hành, khai thác hệ thống giao thông thủy nội địa thời gian qua còn nhiều bất cập; ý thức chấp hành và xử lý vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật của phương tiện, điều kiện hoạt động của bến thuyền chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới; Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa; góp phần đảm bảo, kéo giảm tai nạn giao thông chung từ (05%-10%)/năm.
2. Tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt tiêu chuẩn trong giai đoạn 2011-2015 kết hợp với việc tập trung xây dựng mô hình văn hóa giao thông tại các cảng, bến, cầu phao dân sinh, các công trình nổi trên sông, các cụm dân cư sông dọc theo các tuyến đường thủy nội địa và các đơn vị hành nghề trên các tuyến đường thủy nội địa; cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến đường thủy nội địa... lập lại trật tự, góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT), giảm thiệt hại, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TT ATGT) đường thủy nội địa.
3. Phát huy vai trò công tác phối hợp của các lực lượng chức năng và toàn dân trong công tác đảm bảo TT ATGT đường thủy nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, các lực lượng thực thi công vụ về TT ATGT đường thủy nội địa. Xây dựng hình ảnh người thực thi công vụ đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với người dân.
4. Nâng cấp hoàn thiện và bảo đảm an toàn cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, vùng nước trên các tuyến đường thủy nội địa, khu vực ven biển theo quy hoạch được phê duyệt. Đảm bảo an toàn luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, cầu phao dân sinh và các công trình nổi trên sông; đảm bảo lưu thông an toàn và thuận tiện cho người và phương tiện trên các tuyến đường thủy nội địa.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Sở Giao thông vận tải:
- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa; phối hợp với các lực lượng thực thi công vụ và các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm duy trì ổn định tình hình TT ATGT trên địa bàn, trong đó tập trung kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng, vi phạm về phương tiện và người điều khiển; đăng đáy, khai thác tài nguyên, khoáng sản trong phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa.
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với liên ngành đường thủy nội địa và chính quyền địa phương liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất các công trình nổi trên sông, cầu phao dân sinh, đặc biệt là trước mùa mưa bão và trong các dịp Lễ, Tết hàng năm; kiên quyết đình chỉ hoạt động các công trình không đảm bảo điều kiện an toàn, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với UBND, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố Huế tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, hoàn thành trong năm 2017. Căn cứ kết quả tổng điều tra, để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý đăng ký, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện, đào tạo cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; quản lý hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa theo quy định.
- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra các công trình cầu, đường, đường dây truyền tải điện, đường ống vượt sông và các công trình thiết yếu khác trong phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, có phương án khắc phục đối với các công trình không phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn các tuyến đường thủy nội địa.
- Tranh thủ nguồn vốn sự nghiệp trung ương và địa phương thực hiện hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống phao tiêu, báo hiệu, luồng chạy tàu, hành lang bảo vệ đường thủy nội địa; tổ chức điều tiết, đảm bảo giao thông tại nơi có mật độ lưu thông cao, luồng lạch khan cạn, nơi thi công các công trình thiết yếu trong phạm vi ảnh hưởng đến an toàn đường thủy nội địa.
2. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát phối hợp với lực lượng liên ngành đường thủy nội địa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; bến thủy không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình trái phép trên các tuyến đường thủy nội địa.
- Phối hợp với các cơ quan đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp và triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về TT ATGT đường thủy nội địa.
3. Sở Công thương, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ: Chỉ đạo các đơn vị, chủ công trình đường dây tải điện, đường ống vượt sông và các công trình thiết yếu khác phối hợp với cơ quan quản lý giao thông đường thủy tổ chức lắp đặt và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo đúng quy định.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan xây dựng và triển khai tốt kế hoạch đảm bảo TT ATGT đường thủy nội địa trong mùa mưa bão, trong các dịp Lễ, Tết hàng năm và kịp thời ứng cứu khi phương tiện thủy gặp nạn trong các trường hợp đột xuất.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức kiểm soát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong vận tải, xếp dỡ hàng hóa tại các cảng, bến thủy nội địa, thi công công trình, khai thác tài nguyên khoáng sản trong phạm vi hành lang bảo vệ đường thủy nội địa làm ảnh hưởng đến luồng chạy tàu, để phòng hộ và các công trình giao thông khác.
6. Sở Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp với các tổ chức, cơ quan đoàn thể tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh; đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông làm tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức cho học sinh, sinh viên và bình xét thi đua, khen thưởng cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
- Chỉ đạo các trường học phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho học sinh ở các khu vực thường xuyên đi học, vượt sông bằng phương tiện thủy; phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức huấn luyện bơi và sơ cấp cứu cho học sinh, sinh viên.
8. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.
- Chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan ban ngành liên quan kiểm tra, rà soát đề xuất bổ sung quy hoạch cảng, bến thủy, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản trên các tuyến đường thủy nội địa.