Kế hoạch 462/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 462/KH-UBND
Ngày ban hành 18/02/2022
Ngày có hiệu lực 18/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 462/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11/NQ-CP); Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (sau đây gọi tắt là Công điện số 126/CĐ-TTg), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung của Nghị quyết số 11/NQ-CP, Công điện 126/CĐ-TTg đến các đơn vị, địa phương, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Nhân dân.

2. Yêu cầu:

- Triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, thời gian và các chính sách chủ yếu thực hiện Chương trình, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

II. MỤC TIÊU

1. Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 10%/năm trở lên.

2. Tiết giảm chi phí, triển khai hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

3. Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

1. Tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu quy định tại Mục II Nghị quyết số 11/NQ-CP, Công điện 126/CĐ-TTg và các quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, đối tượng, thời gian hỗ trợ; thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định tại Mục III Nghị quyết số 11/NQ-CP.

2. Gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này với Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 tỉnh Kon Tum; Chương trình số 3566/CTr- UBND ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ động rà soát các cơ chế, chính sách còn vướng mắc, bất cập, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị để sửa đổi.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Công điện 126/CĐ-TTg. Kịp thời nắm bắt quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc Chương trình; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động báo cáo, đề xuất với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

b) Đẩy mạnh rà soát kỹ lưỡng, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hồi phục nhanh và phát triển bền vững.

c) Chủ động xây dựng các giải pháp, chính sách cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững; trường hợp cần thiết tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

d) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm các năm 2022 - 2023 của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; (ii) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (iii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iv) Chủ động rà soát, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (v) Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; (vi) Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; (vii) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; (viii) Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.

đ) Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách; bảo đảm công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.

e) Theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch theo ngành, lĩnh vực quản lý; định kỳ hoặc đột xuất có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình và kết quả thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung thuộc Kế hoạch (nếu cần thiết), trong đó:

- Định kỳ trước ngày 25 của tháng 8 năm 2022, tháng 8 năm 2023 và tháng 4 năm 2024 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

[...]