Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 134/KH-UBND
Ngày ban hành 14/03/2022
Ngày có hiệu lực 14/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

An Giang, ngày 14 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhanh chóng phục hồi, phát triển lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh song song với phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực quan trọng; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng nguồn lực của Nhà nước cũng như toàn bộ nền kinh tế trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

2. Yêu cầu

Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đề ra các giải pháp cụ thể, nhằm nhanh chóng triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, chủ động, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan và đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với từng cá nhân, từng lãnh đạo cơ quan, địa phương trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên nguyên tắc “làm việc nào, dứt điểm việc đó”.

Trong tổ chức thực hiện phải chỉ đạo sát sao, kiên quyết; đặt ra yêu cầu phải có sự chuyển biến trong từng khâu, từng bộ phận; có sự kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các ngành, đơn vị và địa phương; căn cứ vào tình hình thực tế để xác định thứ tự ưu tiên và đưa ra thời hạn hoàn thành đối với từng nhiệm vụ, giải pháp.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Mục tiêu

Phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,5 - 7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt: 70,494 - 72,203 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu 05 năm đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế 05 năm đạt 41.303 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đến năm 2025 lên 73%. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được giao từ đầu năm gắn với đảm bảo chất lượng công trình.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

(1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh: triển khai thực hiện hiệu quả và kịp thời Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); thực hiện lộ trình mở cửa lại các điểm du lịch, các ngành dịch vụ, giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; thống nhất quy định về đi lại, di chuyển của người dân, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, sản xuất an toàn, ổn định; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở và các dự án chiến lược, có sức lan tỏa mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

(2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong 06 tháng đầu năm 2022 theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội: hỗ trợ tạo việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch; Hỗ trợ lãi suất trong 02 năm đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023; Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi; Đầu tư kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động; xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trang bị máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

(3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: căn cứ quy định tại Nghị quyết 11/NQ-CP, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

(4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa mạnh và khả năng giải ngân nhanh; lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình tuân thủ theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 02 năm 2022 và 2023; ap dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

(5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: tiếp tục đẩy mạnh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây dựng. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

b) Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Hội nghị xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

c) Theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài chính

a) Phối hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

b) Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; phối hợp đề xuất phấn đấu tăng thu và thực thi các chính sách miễn, giảm thuế theo quy định; đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

[...]