Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2014 phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch

Số hiệu 45/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2014
Ngày có hiệu lực 25/04/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 25 tháng 4 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ DU LỊCH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở khai thác các nguồn lực sẵn có của địa phương để hình thành và phát triển các loại hình du lịch biển, đảo - nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - mạo hiểm, du lịch văn hóa - nghiên cứu, du lịch làng nghề - mua sắm, du lịch cộng đồng - trải nghiệm…; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Phấn đấu đến năm 2020 phát triển du lịch Thanh Hóa cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Về lượt khách

Đến năm 2015, Thanh Hóa phấn đấu đón 5.500.000 lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế là 125.000 lượt; doanh thu du lịch đạt 3.500 tỷ đồng.

Đến năm 2020, đón được 9.000.000 lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế là 230.000 lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt 10.200 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 đạt 13%/năm về lượt khách và 27,2%/năm về doanh thu.

2.2. Về cơ sở lưu trú du lịch

Đến năm 2015, toàn tỉnh có 600 cơ sở lưu trú du lịch với 20.000 phòng, trong đó có 120 khách sạn đạt từ 1 đến 5 sao;

Đến năm 2020, có 700 cơ sở lưu trú du lịch với 32.500 phòng, trong đó dự kiến có 180 khách sạn từ 1 đến 5 sao.

2.3. Về lao động trong ngành du lịch

Đến năm 2015, có 26.500 lao động hoạt động trong ngành du lịch; trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm 20%, lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 30%, lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề chiếm 25%.

Đến năm 2020, nâng tổng số lao động trong ngành du lịch lên 50.500 người; trong đó, lao động có trình độ Đại học chiếm 25%; lao động có trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 35%; lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề chiếm 20%.

2.4. Về sản phẩm - tuyến du lịch

2.4.1. Sản phẩm du lịch

Trong giai đoạn 2014-2020, tập trung xây dựng, hoàn thiện, giới thiệu, quảng bá và tổ chức khai thác các loại hình, sản phẩm du lịch sau:

- Du lịch nghỉ dưỡng - tắm biển: Khu du lịch Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Thanh, Nghi Sơn (Tĩnh Gia); Hải Tiến (Hoằng Hóa); Nam Sầm Sơn, Tiên Trang (Quảng Xương);

- Du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh: Khu du lịch Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Cẩm Lương;

- Du lịch sinh thái, cộng đồng: Vườn Quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên;

- Du lịch văn hóa tâm linh: Khu di tích Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, đền Bà Triệu, Am Tiên, Phủ Na, Cửa Đặt, Đền Sòng;

- Du lịch sự kiện: Khai trương du lịch biển (Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa...), liên hoan văn hóa ẩm thực, festival trò diễn dân gian kết hợp lễ hội đường phố, các lễ hội văn hóa khác...;

- Du lịch mua sắm: các làng nghề, các tuyến phố đi bộ kết hợp mua sắm tại các khu, điểm du lịch trọng điểm.

2.4.2. Tuyến du lịch

Tập trung xây dựng các tuyến du lịch trọng điểm xuất phát từ thành phố Thanh Hóa hoặc các khu du lịch biển Sầm Sơn/ Hải Tiến/ Tiên Trang/ Hải Hòa/ Nghi Sơn đi các điểm du lịch sau:

[...]