Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 07/01/2014
Ngày có hiệu lực 07/01/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG NAI

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những địa phương có nền công nghiệp phát triển đứng đầu cả nước. Bên cạnh lợi thế về công nghiệp, Đồng Nai cũng được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, tài nguyên để phát triển du lịch (Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Bửu Long, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan – chùa Gia Lào, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh…). Trong những năm qua, du lịch Đồng Nai từng bước phát triển góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, du lịch Đồng Nai phát triển còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Có tài nguyên phát triển du lịch nhưng thiếu sự đầu tư thỏa đáng nên chưa có nhiều khu, điểm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao để hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ...

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, đưa hoạt động du lịch Đồng Nai trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc có tác động tích cực vào kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh theo các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tập trung thực hiện một số nội dung sau:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội mang lại sự thống nhất và tập trung hành động cho phát triển du lịch;

b) Tăng cường mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, hệ thống khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí có chất lượng dịch vụ tốt. Ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm và trình độ quản lý. Thường xuyên đôn đốc và hỗ trợ các chủ đầu tư đã được thỏa thuận địa điểm đẩy nhanh tiến độ dự án. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối các quốc lộ, tỉnh lộ đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, bến tàu du lịch trên tuyến sông Đồng Nai;

c) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, trước mắt tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn (nghiệp vụ buồng, lễ tân, thuyết minh viên, giám đốc khách sạn…) để nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời có kế hoạch phối hợp với các trường đào tạo về du lịch tổ chức các lớp học trung hạn hoặc dài hạn nhằm từng bước xây dựng nguồn nhân lực quản lý du lịch và lao động có nghiệp vụ, phẩm chất tốt, có kiến thức, chuyên môn và ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước;

d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, cải tiến, đa dạng hóa các loại hình du lịch và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn. Mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước có quan hệ hợp tác với tỉnh góp phần đẩy nhanh sự phát triển du lịch nhằm nâng cao hình ảnh và thương hiệu du lịch Đồng Nai;

e) Tập trung phát triển thương hiệu du lịch Đồng Nai trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước;

g) Tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành và địa phương trong việc quản lý, hỗ trợ phát triển du lịch; giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của Đồng Nai với du khách trong nước và quốc tế;

h) Tập trung chỉ đạo thực hiện và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh, xem đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Đồng Nai trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các địa phương tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo cụ thể thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển. Triển khai xây dựng kế hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để làm cơ sở kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức cá nhân trong nước, nước ngoài. Kiện toàn chức năng tư vấn đầu tư du lịch của Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư nhanh chóng, hiệu quả;

b) Phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, khu vực và Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Đồng Nai đến các địa phương trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng quảng bá tại các thị trường trọng điểm (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu…). Nghiên cứu, đề xuất khôi phục tổ chức một số lễ hội truyền thống tiêu biểu để thu hút khách du lịch;

c) Tăng cường xây dựng các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và nước ngoài để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của du khách;

d) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các khu, điểm du lịch trong việc thực hiện cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch đảm bảo theo quy định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và vệ sinh. Kịp thời phối hợp tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị kinh doanh và của các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa theo thẩm quyền;

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các khu, điểm du lịch trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động nhằm làm sạch môi trường tại các khu, điểm du lịch;

g) Chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương nghiên cứu, khảo sát để xây dựng Đề án thành lập Quỹ xúc tiến du lịch trình UBND tỉnh xem xét.

h) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các hành vi chưa đúng theo quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch, thực hiện chế tài có hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

3. Sở Công Thương

a) Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản, thủy điện để phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch, không để ảnh hưởng đến di tích, di sản văn hóa;

b) Tăng cường vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia sản xuất hàng lưu niệm mang tính đặc thù của địa phương; đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho các cơ sở tham gia sản xuất hàng lưu niệm;

c) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh nghiên cứu thực hiện các dự án khôi phục và phát huy các nghề truyền thống (nghề đá, dệt thổ cẩm, nghề gốm…) gắn kết với du lịch;

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Tăng cường kiểm tra các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh đã được duyệt nhưng tiến độ triển khai chậm để tham mưu kịp thời giải quyết những vướng mắc của chủ đầu tư; kiên quyết xử lý các chủ đầu tư cố tình triển khai chậm hoặc không có năng lực triển khai dự án;

b) Phối hợp mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch;

[...]