Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 134/KH-UBND
Ngày ban hành 05/09/2023
Ngày có hiệu lực 05/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 05 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2023-2025

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Căn cứ Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 08/11/2022 của Tỉnh Ủy Ninh Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Căn cứ Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND ngày 23/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc Ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025;

Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tiếp tục củng cố, đổi mới hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTXNN kiểu mới, tạo động lực mới trong từng hợp tác xã (HTX). Đổi mới tổ chức quản lý HTX theo hướng chuyển mạnh hoạt động sang hạch toán kinh doanh với mục tiêu đem lại lợi ích cho thành viên (thúc đẩy kinh tế hộ phát triển) và không ngừng tích lũy cho HTX. Hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HTXNN. Thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia. Thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh đa chức năng, đa dịch vụ, phục vụ lợi ích của thành viên và người dân.

- Phát triển HTXNN phải phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Phát triển HTXNN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với điều kiện của tỉnh, của địa phương. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch bảo đảm yêu cầu, nội dung, tránh việc lãng phí nguồn lực và thời gian thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTXNN trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào quản lý và sản xuất. Ưu tiên phát triển HTXNN gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

- Tăng cường sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phấn đấu đến năm 2025, HTXNN hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% tổng số HTXNN trên địa bàn tỉnh; có từ 40% chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là HTXNN.

- Mỗi huyện xây dựng ít nhất 01 mô hình HTXNN điển hình hoạt động hiệu quả; ưu tiên HTXNN tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (có lĩnh vực nổi trội về sản xuất nông nghiệp) trên địa bàn; doanh thu bình quân đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.

- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có 5% HTXNN ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

- Phấn đấu 30% HTXNN có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giá trị sản phẩm/ha canh tác tăng từ 10%, doanh thu tăng từ 20%.

- Hàng năm tổ chức các chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản cho HTXNN trên địa bàn tỉnh.

- Có ít nhất 30% cán bộ quản lý HTXNN (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTXNN theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ít nhất 50% cán bộ quản lý HTXNN được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTXNN.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển HTXNN

- Truyền thông, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển HTXNN như: Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản có liên quan đến HTXNN.

- Tổ chức tuyên truyền, truyền thông theo nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về HTX, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong HTXNN trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là tuyên truyền bằng những bài phóng sự trên đài Truyền hình Ninh Bình định kỳ theo tuần, tháng, quý để phổ biến rộng rãi đến người dân và nhân rộng các mô hình HTXNN kiểu mới hoạt động hiệu quả để tuyên truyền, vận động thành lập mới, sáp nhập HTX để hoạt động có hiệu quả…

- Tổ chức các đoàn khảo sát, học tập mô hình HTXNN sản xuất có hiệu quả tại các tỉnh, thành cho Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, thành viên HTXNN giao lưu, học tập và áp dụng.

[...]