Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2019 về thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021

Số hiệu 44/KH-UBND
Ngày ban hành 19/02/2019
Ngày có hiệu lực 19/02/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Doãn Toản
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/KH-UBND

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NÂNG MỨC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2018-2021

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 27/1/2018 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Thông báo số 1367-TB/TU ngày 16/4/2018 của Thành ủy thông báo kết luận phiên họp thứ mười của Ban Chỉ đạo Thành phố Quản lý tổ chức bộ máy và biên chế (Ban Chỉ đạo Thành phố thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW), UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể: Giai đoạn 2018-2021: phấn đấu đạt 257 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên và tự đảm bảo chi thường xuyên.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập nâng mức tự chủ tài chính sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn như: được quyết định số lượng người làm việc; được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động.

- Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị sự nghiệp trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành TW về việc nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

Để triển khai và hoàn thành lộ trình nâng mức tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021 (Phụ lục đính kèm); các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

1. Công tác thông tin, tuyên truyền:

- Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của người đứng đầu đơn vị và tập thể viên chức, người lao động trong đơn vị góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thay đổi và nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận ở các cấp, các ngành, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tiến độ nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước:

- Phân định rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với hoạt động kinh doanh dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc: đối với các dịch vụ thiết yếu thì nhà nước bảo đảm kinh phí, đối với các dịch vụ cơ bản thì nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đối với các dịch vụ khác thì đẩy mạnh thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia cung ứng của các thành phần kinh tế.

- Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công theo hướng nhà nước quy định khung giá dịch vụ, từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời cần gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.

- Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới định mức kinh tế kỹ thuật đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí (trừ dịch vụ sự nghiệp công đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá).

- Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, né tránh hoặc không thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chủ động rà soát phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, trường hợp đơn vị không có danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách và không đảm bảo nguồn thu để đáp ứng chi thường xuyên, thực hiện rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sắp xếp tổ chức lại, giải thể các đơn vị hoặc chuyển đổi các đơn vị sang đơn vị ngoài công lập, doanh nghiệp.

3. Nâng cao năng lực quản trị của các đơn vị sự nghiệp công lập

- Xây dựng Kế hoạch chi tiết từng năm, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm đối với từng bộ phận chuyên môn đảm bảo thực hiện nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị theo lộ trình được giao tại Kế hoạch này (Phụ lục - đính kèm).

- Tập trung chỉ đạo các bộ phận tham mưu rà soát và khai thác các nguồn thu sự nghiệp, giảm và tiết kiệm chi thường xuyên để xây dựng phương án nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tăng dần qua các năm và đảm bảo hoàn thành trước hoặc theo lộ trình.

- Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của đơn vị; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài chính, tài sản công, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của đơn vị.

- Chủ động sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đảm bảo bộ máy tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

- Đối với các đơn vị có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khẩn trương xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện một số nội dung liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp như sau:

- Phương án tự chủ tài chính: (1) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thực hiện theo Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác. (2) Đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện theo Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 của Bộ Tài chính. (3) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực còn lại thực hiện theo Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ (trường hợp trong quá trình thực hiện, Trung ương ban hành chế độ, chính sách mới thay thế thì thực hiện theo các quy định của chế độ, chính sách mới).

[...]