Kế hoạch 992/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình hành động 43-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 922/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2018
Ngày có hiệu lực 15/03/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 992/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 15 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 43-CTR/TU NGÀY 30/01/2018 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH (KHÓA XIII) THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19- NQ/TW NGÀY 25/10/2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XII) “VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP”

Căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW), Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW và Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 30/01/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW,

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 43-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp và toàn xã hội trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Kiện toàn sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành, địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, trong đó xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).

3. Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể sau:

3.1. Mục tiêu đến năm 2021:

- Sắp xếp, thu gọn đầu mối, giảm ít nhất 81 đơn vị sự nghiệp công lập1;

- Giảm 10%2 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 20153;

- Có ít nhất 10% đơn vị tự chủ tài chính4, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015;

- Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học);

- Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

3.2. Đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả tỉnh 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.

3.3. Đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền

1.1. Các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đến đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc, trực thuộc, hoàn thành trong quý I năm 2018.

1.2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận của xã hội, các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, trình UBND tỉnh các Đề án sau:

2.1. Đề án Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, địa phương quản lý gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh và từng địa phương theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ; chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo nhu cầu của xã hội và thị trường.

- Hoàn thành báo cáo UBND tỉnh: trong quý IV năm 2018.

2.2. Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành, địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, cụ thể từng lĩnh vực như sau:

2.2.1. Đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông

a) Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non theo nguyên tắc chỉ tổ chức 01 trường mầm non có nhiều điểm trường trên địa bàn một xã, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

b) Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường tiểu học, trung học cơ sở theo hướng hình thành trường phổ thông hai cấp học trong cùng địa bàn gắn với sắp xếp, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học các cấp học, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Trung ương, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

[...]