Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 416/KH-UBND năm 2014 về phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 416/KH-UBND
Ngày ban hành 14/02/2014
Ngày có hiệu lực 14/02/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Thanh Nguyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 416/KH-UBND

Long An, ngày 14 tháng 02 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2014 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

I. Thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

Thực hiện Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và các chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2044/QĐ-UBND ngày 22/7/2010 Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Long An đến năm 2020 và chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch.

Các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn, cụ thể:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch; hướng dẫn các huyện xây dựng kế hoạch, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và triển khai thực hiện một số dự án về ngành nghề nông thôn.

- Sở Công Thương tham mưu ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy chế: Quy chế xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; Quy chế xây dựng và thực hiện đề án khuyến công; Quy chế xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về Long An; Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ vốn cho các đề án khuyến công.

Một số địa phương đã có chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện báo cáo định kỳ; triển khai việc xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn; triển khai thực hiện một số dự án ngành nghề.

Một số kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh:

- Xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống: Đã xét công nhận 05 làng nghề truyền thống. Hiện nay các xã đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

- Công nhận nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về Long An: Đã công nhận 09 nghệ nhân, 27 thợ giỏi, 01 người có công đưa nghề về Long An.

- Tổ chức bình chọn được 28 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó 10 sản phẩm cấp tỉnh, 05 sản phẩm cấp khu vực.

- Thực hiện đề án khuyến công: Hỗ trợ 49 đề án, kinh phí gần 5,4 tỷ đồng.

- Chương trình xúc tiến thương mại: Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước. Tuy nhiên, do cơ sở ngành nghề nông thôn quy mô nhỏ, khó mở rộng đầu ra nên ít tham dự các hội chợ triển lãm và hoạt động xúc tiến thương mại khác.

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trong 3 năm 2010-2012 đã đào tạo nghề ngắn hạn cho 19.577 lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 được 19.577 lao động, kinh phí 15.067 triệu đồng, trong đó lao động thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn là 6.950 lao động (35,5%).

II. Tình hình phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh đến năm 2013

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng trên 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút gần 70.000 lao động chiếm khoảng 8% lao động xã hội. Có khoảng 40 loại ngành nghề đang được sản xuất và kinh doanh. Tỉnh có 11 nghề truyền thống, 14 làng nghề, 25 cụm làng nghề truyền thống, nhưng hầu hết chưa đề nghị xét, công nhận. Một số nghề mới phát triển như nghề cơ khí nông nghiệp, cơ khí phụ trợ nông nghiệp, nghề đan lục bình, nghề kết cườm, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Giá trị sản xuất của ngành nghề nông thôn hiện nay chiếm khoảng 5 - 6% giá trị sản xuất ngành công nghiệp và ước tính đóng góp khoảng 5% GDP toàn tỉnh. Thu nhập bình quân trên lao động (giá hiện hành) ước đạt trên 30 triệu đồng/năm.

Ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ ở khu vực nông thôn.

Nhìn chung ngành nghề nông thôn của tỉnh ít gây ô nhiễm môi trường. Một số nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như nghề làm bún, bánh, bột, đậu hũ, làm mắm, chế biến hạt điều, nấu rượu, chế biến nông sản, rau quả, giết mổ gia súc gia cầm,....nhưng khối lượng chất thải không lớn và từng bước được thu gom xử lý nên mức độ gây ô nhiễm chưa đáng kể. Những ngành nghề khác ít sử dụng hóa chất, hoặc chất thải có thể tái chế sử dụng được thì không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

III. Hạn chế và nguyên nhân

1. Hạn chế

- Ngành nghề nông thôn của tỉnh phát triển còn chậm, còn mang tính tự phát, phân bố không đều (tập trung chủ yếu ở các huyện phía nam), giá trị sản xuất còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung.

- Đa số cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, thu nhập của lao động ngành nghề nông thôn thấp.

- Một số nhóm ngành nghề phát triển còn khó khăn, chưa bền vững. Một số nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm cùng loại được sản xuất công nghiệp như: nghề dệt chiếu, đóng xuồng, rèn, nghề nấu rượu và một số nghề khác.

- Việc xét đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống còn chậm. Phát triển ngành nghề nông thôn và phát triển du lịch vẫn chưa gắn kết được với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

[...]