Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2016 về phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 56/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2016
Ngày có hiệu lực 23/03/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 23 tháng 03 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và các chính sách hỗ trợ ngành nghề nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 5121/QĐ- UBND ngày 29/12/2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 26/11/2010 phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015. Để tổ chức thực hiện quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 và ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Kết quả thực hiện phát triển các ngành sản xuất

a) Chế biến, bảo quản, nông, lâm, thủy sản:

- Ngành xay xát lương thực: toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp, cơ sở xay xát gạo tập trung chủ yếu tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành với qui mô nhỏ và vừa, chủ yếu là sơ chế, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh và phục vụ tiêu dùng nội địa. Sản lượng gạo xay xát bình quân tăng khoảng 0,4%/năm.

- Sản xuất thức ăn chăn nuôi: toàn tỉnh hiện có khoảng 14 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có qui mô khá, trong đó có 06 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở các khu công nghiệp Mỹ Tho, Tân Hương và Long Giang; ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển ổn định sản lượng tăng bình quân 8,8%/năm.

- Công nghiệp chế biến thủy sản: toàn tỉnh hiện có 19 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản có qui mô tương đối khá, tập trung ở các khu và cụm công nghiệp và khoảng trên 700 cơ sở, doanh nghiệp chế biến thủy sản nhỏ tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Châu Thành. Chế biến thủy sản tăng bình quân 9,1%/năm chủ yếu do các doanh nghiệp chế biến tôm, ghẹ, mực, chả cá,..

- Sản xuất bánh kẹo: trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 800 cơ sở sản xuất bánh, kẹo, mứt các loại. Sản xuất bánh kẹo có xu hướng giảm, bình quân giảm 5,1%/năm.

- Sản xuất, bánh, bún, hủ tiếu: hiện có khoảng 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh, bún, hủ tiếu, trong có 01 doanh nghiệp quy mô khá sản xuất bánh tráng, bún, hủ, tiếu xuất khẩu là Công ty TNHH Sản xuất chế biến Nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong (ở KCN Mỹ Tho). Các cơ sở phát triển mạnh ở thành phố Mỹ Tho, tập trung chủ yếu ở làng nghề bánh bún, hủ tiếu Mỹ Tho. Phần lớn các cơ sở sản xuất theo phương pháp thủ công với máy móc thiết bị đơn giản, quy mô nhỏ lẻ.

b) Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, cơ khí nhỏ:

- Sản xuất đồ gỗ: hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ với sản lượng gỗ xẻ bình quân hàng năm khoảng 70 ngàn m3.

- Ngành dệt may: hiện có trên 50 doanh nghiệp sản xuất trang phục, chủ yếu là gia công. Sản xuất tăng trưởng khá tốt, sản lượng tăng bình quân 20,3%/năm. Ngoài một số doanh nghiệp lớn có trang bị máy móc hiện đại, các doanh nghiệp còn lại, nhìn chung công nghệ cũ, hệ số đổi mới và mức độ cơ khí hóa, tự động hóa thấp hơn so với chuẩn trong ngành, điều này đã hạn chế thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Ngành cơ khí: nhìn chung phát triển ổn định, toàn tỉnh hiện có trên 550 cơ sở cơ khí, với quy mô nhỏ như đóng tàu, máy tuốt lúa, sản xuất các loại nông cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp gồm thùng tưới, cuốc, xẻng, liềm,… Nhìn chung, công nghiệp cơ khí của tỉnh nói chung và cơ khí ở nông thôn nói riêng có quy mô còn nhỏ bé, trang thiết bị lạc hậu, khả năng cạnh tranh kém.

c) Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ:

Toàn tỉnh hiện có 6 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác, 5 làng nghề với trên 200 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh bao gồm các sản phẩm chủ yếu như: đồ gỗ mỹ nghệ; mây tre đan gồm nón bàng buông, giỏ xách,…; dệt may gồm dệt chiếu, thảm,..

d) Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh:

Tỉnh Tiền Giang hiện có 117/173 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Sinh vật cảnh với 4.368 hội viên, HTX Phúc An huyện Chợ Gạo với 24 thành viên và 10 tổ hợp tác với 458 thành viên chuyên hoạt động trong lĩnh vực sinh vật cảnh tập trung ở huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho.

đ) Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; tư vấn sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn:

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 cơ sở dạy nghề, gồm 01 trường cao đẳng nghề, 04 trường trung cấp, 08 trung tâm dạy nghề và 14 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề; tất cả các huyện, thị, thành trong tỉnh đều có ít nhất một trường hoặc trung tâm dạy nghề để dạy nghề cho người lao động trên địa bàn.

- Qua kết quả đào tạo nghề, góp phần tăng tỷ lệ qua đào tạo của tỉnh từ 25,4% (2011) lên 45% (2015).

2. Kết quả thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề

Giai đoạn 2011 - 2015, bảo tồn và hỗ trợ phát triển 11 làng nghề và công nhận mới 3 làng nghề mới: Làng nghề Chạm Khắc gỗ Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo; Làng nghề Chế biến thủy sản Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và Làng nghề bàng buông Tân Hoà Thành, huyện Tân Phước thì xây dựng dự án phát triển làng nghề lồng ghép vào đề án xây dựng nông thôn mới của xã.

Toàn tỉnh hiện có 14 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 05 làng nghề truyền thống, các làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất như: hàng thủ công mỹ nghệ (bàng buông, đan lát, dệt chiếu, bó chổi), thực phẩm (bún, hủ tiếu, bánh phồng, bánh tráng), sản phẩm chế biến (chế biến thủy sản), đồ mỹ nghệ (tủ thờ, chạm khắc gỗ). Làng nghề tập trung ở 08 huyện, thị, thành gồm: huyện Châu Thành (04 làng nghề); Chợ Gạo (02 làng nghề); Cái Bè (02 làng nghề), thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước và thị xã Gò Công, mỗi huyện, thị, thành có 01 làng nghề. Hàng năm các nghề, làng nghề của tỉnh giải quyết việc làm ổn định khoảng 6.500 lao động chuyên và từ 10 - 15 ngàn lao động nông nhàn, thu nhập bình quân đầu người của nghề, làng nghề từ 1,5 - 02 triệu đồng/người/tháng, có hộ thu nhập trên 3,0 triệu đồng/tháng, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

3. Đánh giá chung

- Hoạt động ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2015 đã có mức phát triển khá, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng chung của tỉnh, cung cấp hàng hóa cho xuất khẩu, giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Cơ cấu ngành nghề nông thôn nhìn chung có sự chuyển dịch tích cực, đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các nhóm ngành nghề có bước thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế của tỉnh. Tạo việc làm thường xuyên, việc làm mới cho người lao động, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, gia tăng tích luỹ cho nền kinh tế, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực nông nghiệp nông thôn.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ