ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 3024/QĐ-UBND
|
Hòa Bình, ngày 23
tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày
07/07/2006 của Chính phủ về việc phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày
24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển
ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày
21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công;
Căn cứ Quyết định số 1613/QĐ-UBND ngày
30/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc phê duyệt danh mục các quy hoạch
cần lập, điều chỉnh năm 2013.
Căn cứ Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày
31/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về trình tự lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch
ngành, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;
Căn cứ Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 04/12/2013
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương, dự toán chi tiết
Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định
hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn tại Tờ trình số 692/TTr-SNN ngày 17 tháng 12 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành
nghề nông thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, như sau:
1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển ngành nghề nông
thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Phạm vi: Thực hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
3. Cơ chế quản lý điều hành:
- Cơ quan chủ quản dự án Quy hoạch: Ủy ban nhân dân
tỉnh Hòa Bình.
- Cơ quan quản lý dự án Quy hoạch: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
- Cơ quan thực hiện dự án Quy hoạch: Chi cục Phát
triển nông thôn.
- Các Sở, ban ngành trong tỉnh phối hợp để chỉ đạo
hỗ trợ chuyên môn của ngành.
4. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung
Tạo được sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế
và cơ cấu lao động khu vực nông thôn, thay đổi phương thức, tập quán sản xuất ở
khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, đồng thời bảo tồn phát huy các ngành
nghề, sản phẩm có giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển
được các làng nghề, các hợp tác xã, tổ hợp tác và dịch vụ ngành nghề nông thôn,
xây dựng được đội ngũ nghệ nhân và thợ kỹ thuật lành nghề.
b) Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá
trị sản xuất ngành nghề nông thôn tỉnh Hòa Bình: Giai đoạn 2012-2020 đạt
13,29%/năm (đến năm 2020 đạt 2.886,5 tỷ đồng theo giá cố định 2010); Giai đoạn
2021-2030 đạt 10,15%/năm (đến năm 2030 đạt 6.888,6 tỷ đồng theo giá cố định
2010). Đến năm 2020 giải quyết được khoảng 85,3 nghìn lao động làm việc tại các
cơ sở ngành nghề nông thôn và khoảng 150 nghìn lao động vào năm 2030.
5. Định hướng phát triển theo các giai đoạn
a) Giai đoạn 2012-2020: Tập trung phát triển các
nhóm ngành: Chế biến nông, lâm sản, thủy sản; Sản xuất vật liệu xây dựng; Sản
xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xây dựng, vận tải ...
b) Giai đoạn 2021-2030: Tập trung phát triển các
nhóm ngành Chế biến nông, lâm sản, thủy sản (chủ yếu chế biến tinh); Phát triển
ngành nghề cơ khí phục vụ nông nghiệp; Phát triển các làng nghề gắn với du lịch
cộng đồng và Phát triển ngành nghề, dịch vụ công nghệ cao.
6. Quy hoạch phát triển theo các nhóm ngành nghề
nông thôn
a) Nhóm ngành bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản
Dự kiến đến năm 2020 giá trị sản xuất của ngành đạt
409,6 tỷ đồng theo giá so sánh (tốc độ tăng trưởng 14,5%/năm) và đến năm 2030
đạt giá trị sản xuất là 984,3 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng 10,23%/năm). Nếu tính
theo giá hiện hành giá trị sản xuất của nhóm ngành nghề chế biến bảo quản nông
lâm thủy sản đạt 505,7 tỷ đồng vào năm 2020 và khoảng 1.215,2 tỷ đồng vào năm
2030.
Đến năm 2020 dự kiến có khoảng 7 nghìn cơ sở tham
gia nhóm ngành này, thu hút trên 13 nghìn lao động và đến năm 2030 có 11,8
nghìn cơ sở, thu hút gần 22,5 nghìn lao động.
b) Quy hoạch nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng,
mây tre đan, dệt may, cơ khí nhỏ
Dự kiến đến năm 2020 giá trị sản xuất của nhóm
ngành này đạt 458,57 tỷ đồng theo giá so sánh 2010 (tốc độ tăng trưởng
14,2%/năm) và đến năm 2030 đạt giá trị sản xuất là 1.071,97 tỷ đồng (tốc độ
tăng trưởng 9,89%/năm). Đến năm 2020 dự kiến có khoảng 2,33 nghìn cơ sở tham gia,
thu hút trên 12,5 nghìn lao động và đến năm 2030 có 4,1 nghìn cơ sở, thu hút 21
nghìn lao động.
c) Quy hoạch nhóm ngành nghề xử lý, chế biến nguyên
vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn
Dự kiến đến năm 2020 giá trị sản xuất của nhóm
ngành này đạt 231 tỷ đồng theo giá so sánh 2010 (tốc độ tăng trưởng 12,23%/năm)
và đến năm 2030 đạt giá trị sản xuất là 466,89 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng
8,13%/năm). Đến năm 2020 dự kiến có khoảng 1,2 nghìn cơ sở tham gia, thu hút
trên 3,7 nghìn lao động và đến năm 2030 có 2,0 nghìn cơ sở, thu hút 6,5 nghìn
lao động.
d) Quy hoạch nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công
mỹ nghệ
Dự kiến đến năm 2020 giá trị sản xuất của nhóm nghề
thủ công mỹ nghệ đạt 33,48 tỷ đồng theo giá so sánh 2010 (tốc độ tăng trưởng
31,38%/năm) và đến năm 2030 đạt giá trị sản xuất là 109,9 tỷ đồng (tốc độ tăng
trưởng 14,12%/năm). Đến năm 2020 dự kiến toàn tỉnh có 140 cơ sở sản xuất hàng
thủ công mỹ nghệ thu hút khoảng 400 lao động tham gia và đến năm 2030 có 300 cơ
sở, thu hút từ 1,3 nghìn lao động làm nghề.
đ) Quy hoạch nhóm ngành nghề gây trồng và kinh
doanh sinh vật cảnh
Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có 180 cơ sở ngành
nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh thu hút khoảng 400 lao động tham gia
và đến năm 2030 có 300 cơ sở, thu hút khoảng 700 lao động làm nghề.
e) Quy hoạch nhóm ngành nghề xây dựng, vận tải nông
thôn và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 19 nghìn
cơ sở tham gia nhóm ngành này, thu hút trên 55 nghìn lao động đến năm 2030 toàn
tỉnh có 33,4 nghìn cơ sở, thu hút 97,7 nghìn lao động.
g) Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản
xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn
Hệ thống dạy nghề công lập: 100% các huyện, thành
phố có Trung tâm Dạy nghề cấp huyện.
Hệ thống dạy nghề ngoài công lập: Khuyến khích các
thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập
cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, ưu tiên phát triển các làng
nghề truyền thống phục vụ chuyển đổi việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Dự kiến giai đoạn 2012 - 2020 hàng năm tổ chức
khoảng 140-150 lớp học, đào tạo khoảng 4,4 nghìn lao động/năm. Giai đoạn
2021-2030 hàng năm tổ chức 180-190 lớp dạy nghề đào tạo khoảng 5,5 nghìn lao
động/năm.
7. Giải pháp và chính sách thực hiện
a) Giải pháp về vốn đầu tư
Nguồn vốn đầu tư được huy động từ các nguồn: vốn
chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ theo mục tiêu, vốn cân đối ngân
sách, vốn sự nghiệp... thông qua việc lồng ghép với các chương trình, dự án.
Tập trung hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng
tại các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn (hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ trang
thiết bị, hỗ trợ xử lý môi trường...), hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu,
đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại...
Nguồn vốn để sản xuất bao gồm nguồn vốn tự có của
người sản xuất, nguồn vốn của các xã viên, nguồn vốn vay và huy động từ nguồn
khác. Nguồn vốn này là toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong quá trình sản xuất (chi
phí nhân công, chi phí nguyên, nhiên vật liệu và chi phí sản xuất chung) là
phần vốn đóng góp của nhân dân cùng với vốn ngân sách để thực hiện các chương
trình, dự án phát triển ngành nghề nông thôn của nhà nước, của địa phương. Phần
vốn này do người sản xuất tự lo bằng vốn tự có hoặc vay ngắn hạn tại ngân hàng
nông nghiệp hoặc các tổ chức tín dụng nhân dân...
b) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Tăng cường, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về vị trí, vai trò của ngành nghề nông thôn. Thay đổi phương thức đào tạo,
thời gian đào tạo cho phù hợp với từng loại đối tượng, phát huy hình thức đào
tạo theo hợp đồng. Các cơ sở ngành nghề nông thôn được hỗ trợ kinh phí gửi lao
động đi đào tạo tại các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Trung tâm dạy
nghề.
Gửi lao động đến một số trường kỹ thuật có ngành
nghề địa phương đang phát triển để đào tạo theo phương thức nhà nước và nhân
dân cùng làm: Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí.
Lao động nông thôn khi tham gia học nghề ở các cơ
sở đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ dạy nghề
ngắn hạn cho lao động nông thôn theo; được vay vốn từ chương trình quốc gia
giải quyết việc làm, thông qua Quỹ Khuyến công Quốc gia và Trung tâm xúc tiến
thương mại;
Khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống
mở lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương và các vùng lân cận. Khuyến khích
mời các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực
lượng lao động trẻ.
Củng cố và phát triển hệ thống các trường, trung
tâm dạy nghề theo chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
c) Giải pháp về chính sách
- Về đất đai: Quy hoạch, tạo mặt bằng thuận lợi cho
các hộ, cơ sở ngành nghề được thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh trên
địa bàn xã hoặc cụm xã. Miễn thuế thuê đất 3-5 năm đầu cho các cơ sở mới thành
lập nằm ngoài điều kiện hưởng các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất và sử dụng
đất áp dụng trong luật Đầu tư. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là cho các dự
án có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn.
- Về tài chính và tín dụng: Thực hiện tốt phương
châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác
cơ sở hạ tầng; tiếp tục tăng tỷ trọng vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất kỹ thuật nông thôn nói chung và ngành nghề nông thôn nói riêng.
Tăng vốn tín dụng ưu đãi, vốn chương trình kích cầu
của nhà nước cho các cơ sở ngành nghề nông thôn.
Tăng cường nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ khác
của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cho phát triển ngành nghề nông thôn.
Có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài và từ khu vực thành thị vào nông
thôn.
Thành lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông
thôn.
- Chính sách thuế: Những cơ sở ngành nghề nông thôn
mới thành lập, còn gặp nhiều khó khăn cần được miễn thuế 3-5 năm (tùy thuộc
loại nghề, loại sản phẩm); sau thời gian miễn thuế, nếu thấy còn nhiều khó
khăn, có thể tiếp tục xét giảm 50-70% thuế trong 2-3 năm tiếp theo. Áp dụng
chính sách khoán thuế hàng năm với thời hạn 3-5 năm để khuyến khích chủ cơ sở
mở rộng sản xuất trong thời hạn được khoán thuế.
- Về xúc tiến thương mại: Hỗ trợ các cơ sở ngành
nghề nông thôn trong các hoạt động xúc tiến thương mại, theo các chính sách
hiện hành của Nhà nước như Luật Thương mại, các Nghị định, quyết định của Chính
phủ, Bộ Công thương...
- Chính sách ưu đãi đầu tư: Đối với các dự án sản
xuất kinh doanh có hiệu quả được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; được vay
vốn từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, được Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp
nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng, được hưởng chính sách tín
dụng đầu tư hiện hành của Nhà nước và của tỉnh Hòa Bình
d) Giải pháp về khoa học công nghệ, xử lý chất
thải, vệ sinh môi trường
- Về ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ:
Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, chuyển giao tiến bộ về khoa học
công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề.
Chuyển giao ứng dụng các dây chuyền thiết bị quy mô
nhỏ và vừa để đưa các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từng bước thay thế các
công nghệ lạc hậu nhằm tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm ngành nghề
nông thôn. Hỗ trợ đưa các công nghệ mới vào sản xuất để tăng hàm lượng sản phẩm
chế biến sâu, tiến đến xuất khẩu.
- Xử lý chất thải, vệ sinh môi trường: Tiến hành
đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các cụm tiểu thủ công nghiệp -
làng nghề, các cơ sở sản xuất. Những ngành nghề có gây ô nhiễm cần phải được
đưa vào các khu sản xuất tập trung có xử lý ô nhiễm môi trường. Kiểm soát
nghiêm ngặt nguồn ô nhiễm trong sản xuất ngành nghề nông thôn.
Khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư
chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, hiện đại hóa các công nghệ truyền thống
theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống.
Tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông
thôn phát triển các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường, khuyến khích sử
dụng nguồn nguyên liệu tái sinh. Các cơ sở ngành nghề nông thôn, đặc biệt các
cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng...
trước khi cho phép hoạt động cần được thẩm định tác động đối với môi trường.
đ) Giải pháp về nguồn nguyên liệu
Tích cực triển khai các chương trình trọng điểm của
ngành nông nghiệp nhằm ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ ngành nghề nông thôn.
Ưu tiên phát triển các nguồn nguyên liệu để phát triển các loại ngành nghề nông
thôn có thế mạnh của tỉnh..
Việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cần gắn
với các nhà máy chế biến. Tạo mối liên hệ giữa nông dân và các nhà máy chế
biến. Khuyến khích người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc đóng góp cổ phần)
với nhà máy. Đồng thời các nhà máy chế biến cũng phải có đề án xây dựng vùng
nguyên liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu.
Hướng dẫn nông dân trong việc chọn giống, áp dụng
các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thu hái
và sơ chế, bảo quản, vận chuyển sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên
liệu và hiệu quả sản xuất.
e) Tổ chức sản xuất, thị trường và xúc tiến thương
mại
- Tổ chức sản xuất: Phát triển các cơ sở sản xuất
kinh doanh: Khuyến khích và ưu tiên tối đa phát triển các doanh nghiệp vừa và
nhỏ ngành nghề nông thôn, các hợp tác xã ngành nghề nông thôn, các hộ sản xuất
quy mô lớn, các trang trại... Tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp
thuộc mọi thành phần kinh tế.
Gắn chặt nghiên cứu và triển khai sản xuất: Đầu tư
chiều sâu vào sản xuất các mặt hàng chất lượng cao nhằm từng bước xây dựng một
thương hiệu chung cho các mặt hàng ngành nghề nông thôn của toàn tỉnh. Cần gắn
chặt các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà thiết kế vào khâu phát triển sản
phẩm.
Xây dựng các cụm cơ sở ngành nghề, làng nghề: Đầu
tư xây dựng và phát triển các cụm cơ sở ngành nghề, làng nghề trên cơ sở xác
định các nhu cầu thực tế, không xây dựng trên diện rộng theo phong trào.
Tạo mối liên kết ngành: Khuyến khích và tạo điều
kiện thuận lợi để hình thành các mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất ở các
thành phần kinh tế như câu lạc bộ, hội ngành nghề để hỗ trợ trong sản xuất,
tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh. Xúc tiến thành lập sớm một số hội
ngành nghề cấp tỉnh. Khuyến khích hình thành các HTX chuyên doanh ngành nghề
nông thôn, các tổ hợp tác, các chi hội tại cơ sở nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ.
Đồng thời tích cực tạo mối liên hệ với các làng nghề và doanh nghiệp trên cả
nước.
Phát động phong trào để các xã, các làng tự đánh
giá tiềm năng và định ra mặt hàng riêng cho mình.
- Thị trường và xúc tiến thương mại: tiếp tục duy
trì và củng cố các thị trường hiện có, mở rộng thị trường mới trong đó chú ý
đến thị trường các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung và đặc biệt là
thị trường xuất khẩu.
Chất lượng sản phẩm: nâng cao chất lượng sản phẩm
để tạo ra sự khác biệt trên thị trường cho các sản phẩm của Hòa Bình. Xây dựng
bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn của Hòa Bình căn cứ trên
tiêu chuẩn TCVN của Việt Nam cho các sản phẩm nội địa và tham khảo áp dụng các
tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu mục tiêu cho các mặt hàng xuất khẩu.
Xây dựng thương hiệu: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng
cao ý thức và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất, làng nghề,
sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh. Xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cho
các sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh, tạo được những thương hiệu mạnh, có
sức cạnh tranh cao trên thị trường, đặc biệt thương hiệu gắn liền với văn hóa
và lịch sử Hòa Bình.
Các hoạt động xúc tiến thương mại khác: Tổ chức
định kỳ các hội chợ về ngành nghề nông thôn của tỉnh. Tổ chức cho các doanh
nghiệp tiềm năng, các cán bộ chủ chốt của ngành đi khảo sát thị trường mục tiêu
của ngành nghề nông thôn Hòa Bình. Xây dựng trang web và các tài liệu nhiều
ngôn ngữ về các sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu
về sản phẩm ngành nghề nông thôn, các làng nghề. Hỗ trợ các hiệp hội chuyên
ngành trong việc tiếp cận thông tin thị trường cũng như các hoạt động xúc tiến
thương mại của hiệp hội.
8. Nhu cầu vốn đầu tư, phân kỳ và nguồn vốn đầu tư
a) Tổng vốn đầu tư: 55.825,6 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn cho chương trình bảo tồn và phát triển làng
nghề: 13 tỷ đồng.
- Vốn hỗ trợ phát triển các làng nghề gắn với du
lịch: 6 tỷ đồng.
- Vốn hỗ trợ phát triển cụm cơ sở ngành nghề nông
thôn: 152 tỷ đồng.
- Vốn xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu
gắn với ngành nghề chế biến, bảo quản: 7,7 tỷ đồng.
- Vốn hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã: 7,5 tỷ
đồng.
- Vốn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: 300 tỷ đồng.
- Vốn xúc tiến thương mại: 60 tỷ đồng.
- Chi phí lập dự án, đề án ưu tiên đầu tư: 6,3 tỷ
đồng
- Chi phí sản xuất hàng năm (vốn góp của dân):
55.273,1 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Trung ương: 291,1 tỷ đồng;
- Vốn ngân sách địa phương: 148,1 tỷ đồng;
- Vốn khác: 113,3 tỷ đồng;
- Chi phí sản xuất hàng năm (vốn góp của dân): 55.273,1
tỷ đồng.
b) Phân kỳ vốn đầu tư
- Giai đoạn 2013 - 2020: 14.959,5 tỷ đồng. Trong đó:
+ Vốn đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển
làng nghề: 7,8 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư hỗ trợ phát triển các làng nghề gắn
với du lịch: 3,6 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ phát triển cụm cơ sở ngành nghề nông
thôn: 91,2 tỷ đồng;
+ Vốn xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu:
3,1 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã: 3,0 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: 120,0 tỷ đồng;
+ Vốn xúc tiến thương mại: 24,0 tỷ đồng;
+ Chi phí lập dự án, đề án ưu tiên đầu tư: 2,6 tỷ
đồng;
+ Chi phí sản xuất hàng năm: 14.704,3 tỷ đồng
- Giai đoạn 2021 - 2030: 40.866,0 tỷ đồng. Trong đó:
+ Vốn đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển
làng nghề: 5,2 tỷ đồng;
+ Vốn đầu tư hỗ trợ phát triển các làng nghề gắn
với du lịch: 2,4 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ phát triển cụm cơ sở ngành nghề nông
thôn: 60,8 tỷ đồng;
+ Vốn xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu:
4,6 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã: 4,5 tỷ đồng;
+ Vốn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: 180,0 tỷ đồng;
+ Vốn xúc tiến thương mại: 36,0 tỷ đồng;
+ Chi phí lập dự án, đề án ưu tiên đầu tư: 3,7 tỷ
đồng;
+ Chi phí sản xuất hàng năm: 40.568,8 tỷ đồng
c) Nguồn vốn thực hiện Dự án: Nguồn vốn Ngân sách
Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
9. Tổ chức thực hiện
(Có báo cáo Quy hoạch phát triển ngành nghề nông
thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đăng trên Cổng thông
tin điện tử Hòa Bình: http://www.Hòa Bình.gov.vn).
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải,
Lao động-Thương binh và xã hội, Văn hóa, thể thao và Du lịch, Thông tin và
Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ NN&PTNT;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Kho bạc NN Hòa Bình;
- Chi cục PTNT;
- Chánh, Phó VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN (BD35).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Dũng
|