Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 1549/KH-UBND truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024

Số hiệu 1549/KH-UBND
Ngày ban hành 26/04/2024
Ngày có hiệu lực 26/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1549/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 26 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024

Thực hiện Quyết định số 50/QĐ-TCGDNN ngày 13/3/2024 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về việc phê duyệt Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp năm 2024, căn cứ Kế hoạch số 2430/KH-UBND ngày 06/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc truyền thông về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến đến người dân và xã hội; bám sát nội dung, yêu cầu của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tổ chức rộng rãi, bằng nhiều hình thức hoạt động, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; có sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương, các công ty tổ chức sự kiện, tư vấn, xây dựng nội dung truyền thông và các doanh nghiệp...

3. Đổi mới hình thức, áp dụng mô hình truyền thông mới, có hiệu quả trong thực tiễn; hướng công tác truyền thông đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trên địa bàn cơ sở đang hoạt động, tập trung chú trọng đến các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và doanh nghiệp.

4. Đảm bảo thông tin, tuyên truyền được triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường được nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông.

5. Đảm bảo nguồn lực cần thiết cho công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện xã hội hóa công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Các nguồn lực truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trong các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia được sử dụng hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu, đối tượng của các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia.

II. ĐỐI TƯỢNG TUYÊN TRUYỀN

1. Người học tiềm năng: Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và gia đình; lao động nông thôn; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự...

2. Người học: Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học...

3. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động: Các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế.

4. Các cơ quan quản lý: Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

5. Người dân và các đối tượng khác.

III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

Nội dung truyền thông cần phản ánh đầy đủ, chân thực, kịp thời các hoạt động của giáo dục nghề nghiệp; làm nổi bật thông điệp “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động - Vì một Việt Nam thịnh vượng”, “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học - Thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”, “Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp”.

1. Tập trung đẩy mạnh truyền thông về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023; Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021; Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” theo Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021; Kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 15/7/2021; Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027” theo Quyết định số 1260/QĐ-TTg ngày 19/7/2021; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030” theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022...

2. Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động, nội dung truyền thông phục vụ công tác tuyển sinh - đào tạo, đẩy mạnh cung ứng nhân lực có kỹ năng nghề cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường số kết nối, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Tổ chức các chương trình, sự kiện, cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu nhằm tôn vinh người học, nhà giáo, người dạy nghề, cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, lao động có kỹ năng nghề, học sinh, sinh viên, các tổ chức có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các điển hình tiêu biểu, mô hình khởi nghiệp thành công từ giáo dục nghề nghiệp.

3. Xây dựng các biển quảng cáo, pa nô, áp phích, màn hình, đề can, huy hiệu... truyền thông có gắn biểu tượng Skilling Up Vietnam; Worldskills Vietnam và các thông điệp truyền thông phục vụ công tác truyền thông, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN

1. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác truyền thông kết hợp với các hoạt động chuyên môn như tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả...

a) Xây dựng các sản phẩm phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mang tính chất truyền thông và kết hợp với chuyên môn, nghiệp vụ.

b) Xây dựng các cổng/trang thông tin điện tử, các ứng dụng hỗ trợ công tác tuyển sinh và định hướng nghề nghiệp.

2. Xây dựng các ấn phẩm và số hóa các nội dung, ấn phẩm tuyên truyền

a) Biên soạn, xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi (Flyer/Brochure)...; giới thiệu, cung cấp thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; mô tả các nghề đào tạo có nhu cầu cao; giới thiệu về học nghề - lập nghiệp; cẩm nang chọn nghề - chọn trường...

b) Xây dựng, biên tập, phát hành, số hóa các nội dung, ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền; xây dựng các video clip giới thiệu, mô tả, định hướng nghề nghiệp...

3. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp: Đưa các tin, bài, ảnh, phóng sự; xây dựng các chuyên mục, chương trình, phóng sự, tọa đàm; mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục nghề nghiệp.

[...]