Kế hoạch 52/KH-UBND truyền thông về giáo dục nghề nghiệp năm 2020 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2020
Ngày có hiệu lực 24/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 24 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRUYỀN THÔNG VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 75/QĐ-TCGDNN ngày 27/02/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức của người dân, xã hội, doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh về GDNN; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào GDNN; hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, giải quyết việc làm, lập nghiệp, khởi nghiệp. Thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

a) Các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Lạng Sơn, đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, mạng internet…).

b) Có ít nhất 50 tin/bài viết/ảnh/phóng sự/chương trình truyền thông về GDNN trên các báo, đài, tạp chí; xây dựng và phổ biến rộng rãi ít nhất 1000 sản phẩm truyền thông (tờ rơi, sách, áp phích, video clip,…) về GDNN.

c) Thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN, gắn kết doanh nghiệp với GDNN trong hoạt động đào tạo (Đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao), tuyển dụng và sử dụng người học GDNN sau tốt nghiệp.

2. Yêu cầu

a) Công tác truyền thông về GDNN được tổ chức sâu rộng, toàn diện, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, bảo đảm yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, trong đó chú trọng tới các ấn phẩm, video clip… giới thiệu về nghề, quảng bá hình ảnh nghề nghiệp, GDNN; truyền thông bám sát nội dung, yêu cầu chủ trương, chính sách, nghị quyết của đảng, pháp luật của Nhà nước, của Luật GDNN và tình hình thực tế của địa phương.

b) Có sự tham gia phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở GDNN, cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương, các doanh nghiệp…

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động truyền thông, đổi mới hình thức, áp dụng mô hình truyền thông mới phù hợp và đạt hiệu quả trong thực tiễn; hướng công tác truyền thông đến các cơ sở GDNN và trên địa bàn cơ sở đang hoạt động, tập trung chú trọng đến các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh THCS, THPT.

d) Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về GDNN.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi phối hợp thực hiện

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và đào tạo, các cơ sở GDNN hoạt động trên địa bàn, các cơ quan chủ quản của các cơ sở GDNN.

b) Các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, Báo Lạng Sơn, đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

c) Các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội liên quan như: đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ…

d) Các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả hệ thống đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở).

đ) Các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực GDNN; doanh nghiệp tổ chức đào tạo và hợp tác với các cơ sở GDNN trong công tác đào tạo - tuyển dụng - sử dụng lao động; các công ty tổ chức sự kiện, tư vấn xây dựng nội dung truyền thông...

2. Đối tượng truyền thông

a) Người học:

- Người học tiềm năng: học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn; lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an; sinh viên chưa có việc làm; người lao động bị mất việc làm…

- Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học…

b) Doanh nghiệp, người sử dụng lao động: các doanh nghiệp FDI, người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong nền kinh tế; hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội khác…

c) Cơ quan quản lý: các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố.

d) Tổ chức quốc tế: các tổ chức quốc tế có hợp tác về GDNN với tỉnh.

[...]