Kế hoạch 3954/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030

Số hiệu 3954/KH-UBND
Ngày ban hành 29/10/2021
Ngày có hiệu lực 29/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Triệu Thế Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3954/KH-UBND

Hải Dương, ngày 29 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU CHỈNH MỨC SINH PHÙ HỢP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

I. SỰ CẦN THIẾT

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Duy trì mức sinh thay thế (trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 - 2,1 con) có vai trò quan trọng trong việc ổn định quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Nếu mức sinh giảm xuống thấp đến dưới mức 1,35 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, điều này sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" ngắn lại và già hóa dân số diễn ra nhanh. Nếu mức sinh tăng lên tới mức từ 2,3 con trở lên/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, quy mô dân số sẽ ở mức cao, điều này sẽ gây áp lực lớn đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm, môi trường…

Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, công tác Dân số của tỉnh đã được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Hải Dương là một trong những tỉnh đạt mức sinh thay thế sớm của cả nước và duy trì vững chắc mức sinh thay thế giai đoạn 2003 - 2017. Tuy nhiên, từ năm 2018 mức sinh tại tỉnh tăng trở lại (2,39 con/phụ nữ); năm 2019 là 2,48 con/phụ nữ và năm 2020 là 2,57 con/phụ nữ. Mức sinh tăng trở lại sau khi đã đạt mức sinh thay thế, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề giải quyết việc làm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân... làm tăng khoảng cách giàu nghèo và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này và trước yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách về công tác dân số trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban bành Kế hoạch thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) nhằm phấn đấu đạt và duy trì mức sinh thay thế, hướng tới ổn định quy mô dân số, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Pháp lệnh Dân số; Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số và các Nghị định hướng dẫn thực hiện;

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030;

- Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030;

- Thông tư số 01/2021/TT-BYT ngày 25 tháng 01 năm 2021, của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số;

- Kế hoạch số 80-KH/TU của Tỉnh ủy Hải Dương ngày 26/01/2018 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “công tác dân số trong tình hình mới”;

- Kế hoạch số 2196/KH-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh Hải Dương về Kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Hải Dương thực hiện Chiến lược Dân số Việt nam đến năm 2030.

III. THỰC TRẠNG MỨC SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng mức sinh

Dân số tỉnh Hải Dương năm 2015 là 1.812.777 người, năm 2020 là 1.916.774 người; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 là 12,9‰ tăng 4,55 điểm ‰ so với năm 2015. Tỷ suất sinh thô năm 2020 là 18,8‰ tăng 2,8 điểm ‰ so với năm 2015 (cả nước năm 2020 là 16,3‰).

Năm 2003 tỉnh Hải Dương đã đạt mức sinh thay thế, sớm hơn so với cả nước (năm 2006) và duy trì mức sinh thay thế trong giai đoạn 2003 - 2017; Tuy vậy từ năm 2018, mức sinh tại tỉnh có xu hướng tăng trở lại với số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2018 là 2,39 con, năm 2020 là 2,57 con.

Mức sinh có sự khác biệt giữa các khu vực thành thị và nông thôn: trước năm 2017, khu vực thành thị tổng tỷ suất sinh thấp hơn so với khu vực nông thôn (năm 2017: thành thị: 1,77, nông thôn: 2,30). Sau năm 2017, khu vực thành thị có tổng tỷ suất sinh cao hơn so với khu vực nông thôn (năm 2018 thành thị 2,61, nông thôn 2,26 và năm 2019 thành thị 2,73, nông thôn 2,40). Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng: năm 2011: 8,77%, năm 2016: 12,45%, năm 2020: 18,05%.

Số người kết hôn trong năm 2020 là 10.048 người tăng 1.856 người so với năm 2015 và tuổi kết hôn trung bình lần đầu ngày càng có xu hướng giảm: năm 2017: 25,5 tuổi; năm 2018: 25,3 tuổi; năm 2019: 24,9 tuổi; năm 2020: 25,1 tuổi.

Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 70% (năm 2015: 70,4%, năm 2018: 70,5 %, năm 2019: 70,16%, năm 2020: 69,6%).

2. Nguyên nhân mức sinh tăng trở lại

Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương, đơn vị chưa thấy hết vai trò, tầm quan trọng và tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của công tác dân số (nhất là trong giai đoạn hiện nay) nên chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác phối kết hợp của một số cơ quan, ban ngành trong việc tổ chức thực hiện công tác dân số chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Chế tài xử lý vi phạm chính sách dân số ngày càng giảm nhẹ, số cán bộ, đảng viên còn vi phạm (sinh con thứ 3 trở lên) có chiều hướng tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác vận động quần chúng nhân dân thực hiện chính sách dân số. Một số vấn đề mới nảy sinh chưa có quy phạm pháp luật để điều chỉnh, gây khó khăn trong công tác quản lý và thực thi pháp luật (xử lý người vi phạm chính sách dân số không phải là đảng viên, cán bộ, viên chức).

Tâm lý, tập quán trọng nam hơn nữ, muốn có đông con, phải có con trai để nối dõi, phát triển dòng tộc, phụng dưỡng tuổi già tồn tại trong ý thức hệ của một bộ phận không nhỏ nhân dân, kể cả một số cán bộ, đảng viên. Đây là những khó khăn thách thức lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác dân số.

Mô hình tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở thường xuyên thay đổi, vì vậy tư tưởng cán bộ chưa yên tâm công tác.

[...]