Quyết định 1001/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/06/2011
Ngày có hiệu lực 27/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trương Vĩnh Trọng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

 

CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA

PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần 1.

BỐI CẢNH BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC

Tệ nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra rất nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân, đồng thời là nguyên nhân làm phát sinh các loại tội phạm, đe dọa sự ổn định, phồn vinh và sự trường tồn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy.Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 30 tháng 11 năm 1996 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010 cho thấy: Nhờ triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; nhận thức về tác hại của tệ nạn ma túy và trách nhiệm đối với công tác phòng chống ma túy của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có những chuyển biến tích cực góp phần từng bước kiềm chế tệ nạn ma túy; tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được giải quyết; công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, trong đó có tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tội phạm nguy hiểm, v.v… thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma túy qua biên giới; hoạt động truy tố, xét xử được nghiêm minh, kịp thời; hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy được tăng cường và đẩy mạnh.

Tuy nhiên, những kết quả thu được mới chỉ là bước đầu, chưa thực sự vững chắc, công tác phòng, chống ma túy còn có những hạn chế, bất cập; một số chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010 chưa đạt được như chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào; giảm số người nghiện, ngăn chặn tình trạng tiêm chích ma túy, bảo đảm 70% số xã, phường, thị trấn không có người nghiện và tội phạm ma túy; tổ chức cai nghiện cho trên 80% số người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội,.v.v… Bên cạnh đó, công tác thống kê, quản lí người nghiện ma túy còn thiếu chặt chẽ; chất lượng cai nghiện còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nghiện còn cao; công tác quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện chưa được chú trọng đúng mức; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy còn dàn trải, nặng về bề nổi. Số vụ phạm pháp hình sự do người nghiện ma túy gây ra còn nhiều; tiêm, chích ma túy vẫn là nguyên nhân chủ yếu làm lây nhiễm HIV.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, trước hết là do việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy của Chính phủ ở một số đơn vị, địa phương còn chậm và chưa nghiêm; sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, quần chúng ở một số nơi thiếu chặt chẽ; bộ máy tổ chức phòng, chống ma túy chưa thống nhất, đồng bộ; cán bộ chuyên trách làm công tác này vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và chưa được bảo đảm về chế độ, chính sách; một số văn bản pháp luật về phòng, chống và kiểm soát ma túy chưa kịp thời được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy chưa tương xứng với những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và chưa đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn.

Thời gian tới, do tác động của tình hình ma túy khu vực và thế giới, tình hình tệ nạn ma túy ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp. Tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động và mang tính quốc tế cao hơn; gắn kết chặt chẽ với các loại tội phạm tham nhũng, rửa tiền và buôn bán vũ khí; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để buôn bán, điều chế ma túy tổng hợp ở trong nước. Số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều vào đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị. Nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa còn tiềm ẩn ở nhiều địa phương. Vì vậy, nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, tệ nạn ma túy có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường cho xã hội.

Trong bối cảnh trên, việc ban hành “Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” là cần thiết, qua đó đặt ra những mục tiêu, hoạch định các chương trình và giải pháp phòng, chống ma túy tổng thể, dài hạn nhằm bảo đảm cho công tác này đạt hiệu quả cao, bền vững, từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Phần 2.

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM

1. Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt.

2. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phải được lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình, Chiến lược quốc gia có liên quan.

3. Đầu tư cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhà nước bảo đảm việc huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và tài trợ của quốc tế.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, trường học, tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

[...]