Kế hoạch 3916/KH-UBND năm 2014 thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2020

Số hiệu 3916/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Trần Hùng
Lĩnh vực Bảo hiểm

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3916/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN LỘ TRÌNH TIẾN TỚI BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

Thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2013 và Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 06 tháng 03 năm 2013 của Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2013 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng xây dựng Kế hoạch thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT: Duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 91% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có khoảng 96% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT (Chi tiết tại Biểu 01, Biểu 02 Phụ lục đính kèm).

b) Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT; cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT, trong thanh toán chi phí KCB BHYT.

c) Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, bảo đảm cân đối thu - chi quỹ BHYT, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị

Đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương. Thực hiện tiêu chí phát triển BHYT tiến tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định chính sách, pháp luật về BHYT.

2. Tuyên truyền, phổ biến, chính sách pháp luật về BHYT: Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2013 - 2020; Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12, Luật số 46/2014/QH13 Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Bảo hiểm y tế; Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29 tháng 03 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan; Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 06 tháng 03 năm 2013 của Tỉnh ủy Cao Bằng thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội giai đoạn 2013 - 2020.

3. Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT

a) Đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ đạt 100%: Tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT để đến năm 2020 tất cả các nhóm đối tượng đều tham gia và tỷ lệ bao phủ toàn tỉnh đạt 96% theo mục tiêu đề ra.

b) Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, cần kết hợp những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng như sau:

- Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trong các doanh nghiệp; xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp không thực hiện quy định pháp luật về BHYT.

- Học sinh, sinh viên: Đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường; tăng cường trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về BHYT, công tác chăm sóc sức khỏe học đường, quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT.

- Nhóm tham gia theo hộ gia đình: Tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, quyền lợi khi tham gia BHYT, mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT, vận động tham gia BHYT. Hướng dẫn cách thức đăng ký tham gia BHYT và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình đều tham gia BHYT.

- Hộ gia đình nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình: Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế để người dân hiểu về quyền và trách nhiệm tham gia BHYT. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng; quy trình, thủ tục thẩm định, xác nhận đối tượng. Thực hiện tốt việc hỗ trợ mức đóng BHYT cho người tham gia theo hộ gia đình theo quy định của Chính phủ.

- Đối với nhóm trẻ em dưới 6 tuổi: Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.

- Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo.

4. Nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám bệnh chữa bệnh BHYT

a) Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT

Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành; thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện; cải cách thủ tục hành chính và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

[...]