Kế hoạch 2668/KH-UBND về nâng cao tỷ lệ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2015

Số hiệu 2668/KH-UBND
Ngày ban hành 02/06/2015
Ngày có hiệu lực 02/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Ngọc Tam
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2668/KH-UBND

Bến Tre, ngày 02 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO TỶ LỆ BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE NĂM 2015

Căn cứ Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020;

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế;

Thực hiện Công văn số 2361/BYT-BH ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Bộ Y tế về việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh với nội dung như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

1. Tình hình tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) tính đến cuối năm 2014:

- Tổng số người tham gia BHYT: 821.392, đạt tỷ lệ 65,1%, trong đó BHYT nhân dân: 171.096, chiếm 13,56% dân số toàn tỉnh. BHYT học sinh có 201.090 HSSV có thẻ BHYT, chiếm 98,76% tổng số HSSV trong toàn tỉnh.

- Tổng số thu BHYT: 591.890.183.585 đồng.

2. Nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ bao phủ BHYT thấp:

- Các doanh nghiệp (chủ yếu là tư nhân) không đóng, trốn đóng hoặc đóng Bảo hiểm y tế cho người lao động không đủ. Nguyên nhân là do nhận thức về chính sách BHYT của người sử dụng lao động lẫn người lao động chưa sâu sắc, trách nhiệm thực thi pháp luật chưa nghiêm.

- Mức sống người dân còn thấp, hộ gia đình gặp khó khăn khi tham gia BHYT hộ gia đình, phần lớn tham gia cho những người có bệnh hoặc có nguy cơ bệnh cao.

- BHYT học sinh, sinh viên chưa đạt kế hoạch phấn đấu 100%, do một số địa phương đơn vị trường học chưa chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu BHYT. Các trường Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tham gia BHYT còn thấp.

- Việc lập và bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi giữa UBND cấp xã, phường gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội còn chậm, vẫn còn tình trạng trẻ em dưới 6 tuổi đi khám, chữa bệnh không có thẻ BHYT.

- Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chưa được ban hành, đa số người tham gia BHYT là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị cao, người khoẻ mạnh ít tham gia BHYT.

- Một số địa phương, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền về chính sách BHYT và vận động nhân dân tham gia BHYT.

- Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung đã được cải thiện nhưng từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực cán bộ còn hạn chế, đặc biệt ở các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ khám chữa bệnh vượt tuyến còn cao.

- Thủ tục khám chữa bệnh BHYT; quy trình chuyển tuyến BHYT; quy định về sử dụng thẻ BHYT vẫn còn gây phiền hà, giảm tính hấp dẫn đối với người tham gia BHYT.

II. MỤC TIÊU

1. Tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT theo lộ trình của Luật Bảo hiểm y tế và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.

2. Tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ như hiện tại hoặc cao hơn; mở rộng thêm các nhóm đối tượng khác, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT.

3. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, tăng chỉ số hấp dẫn của việc khám chữa bệnh BHYT.

4. Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp thông qua hình thức hỗ trợ người dân tham gia mua BHYT từ nhiều nguồn, đảm bảo cân đối thu - chi quỹ BHYT.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nội dung:

Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

- Đổi mới nội dung và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT. Tăng cường trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT, triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.

[...]