Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3481/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án "Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo" tại Bình Thuận

Số hiệu 3481/KH-UBND
Ngày ban hành 20/08/2018
Ngày có hiệu lực 20/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phạm Văn Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3481/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 20 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TRẬT TỰ TRỊ AN, AN TOÀN CHO NHÂN DÂN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ TRÊN BIỂN, ĐẢO” TẠI BÌNH THUẬN

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo trong tình hình mới, UBND tỉnh (Ban Chỉ đạo 1465 tỉnh) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với những yêu cầu, nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thống nhất nhận thức trong các cấp, ngành về những thuận lợi, khó khăn, thách thức cũng như vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của công tác bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo đối với sự phát triển, ổn định, bền vững vùng biển, đảo tại địa phương.

2. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa phát triển kinh tế biển với tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ven biển, xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lợi ích và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chủ động xử lý mọi tình huống phức tạp nảy sinh.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, đảo; triển khai quyết liệt các giải pháp giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; đấu tranh triệt xóa các đường dây vận chuyển ma túy, mua bán người, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biển, tình trạng tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ trái phép. Phối hợp giúp nhân dân phòng chống thiên tai, lụt bão; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu, khắc phục hậu quả sau bão, lũ, cung cấp thuốc men, lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng bị thiệt hại.

II. NHỮNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai vùng biển, đảo. Tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ngư dân. Tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo.

2. Nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về tình hình Biển Đông, an ninh, trật tự khu vực biển, đảo, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Xây dựng, triển khai thực hiện tốt các phương án, kế hoạch công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng của đất nước, các hội nghị quốc tế diễn ra tại khu vực biển, đảo. Đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khu vực ven biển, hải đảo. Tăng cường đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu sai trái, thù địch liên quan chủ trương, giải pháp bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế biển, đảo.

3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật và các hành vi đánh bắt hải sản bằng phương pháp hủy diệt; tăng cường bảo vệ tàu cá, ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam, ngư trường truyền thống; bảo vệ, bảo hộ ngư dân bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý; phối hợp làm tốt công tác bảo hộ ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về, yêu cầu cam kết không tái phạm, đồng thời chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp bị các thế lực thù địch móc nối tham gia hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

4. Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển, đảo theo phương châm 4 tại chỗ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước khu vực ven biển, hải đảo, nhất là quản lý hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI, quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý về môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường thiết lập, sử dụng đường dây nóng với các nước nhằm giải quyết các vụ việc phát sinh trên biển; mở rộng hợp tác nghề cá với các nước tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.

5. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 10/12/2015 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Quyết định số 1072/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo”.

6. Chỉ đạo tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan Công an, Quân sự, Biên phòng, thông tin truyền thông, Ủy ban nhân dân các cấp ven biển trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng biển, đảo, nhất là trong quản lý người, tàu thuyền xuất, nhập cảnh, đấu tranh phòng chống tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật và xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự. Quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển, bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khu vực biển, đảo.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

Chủ trì tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch này và chỉ đạo Công an các địa phương ven biển, đảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ tại các địa phương ven biển và hải đảo gắn với các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường liên quan đến biển, đảo như nghề cá, dầu khí, giao thông, du lịch... Tăng cường các biện pháp nắm, nghiên cứu, dự báo tình hình an ninh, trật tự trên vùng biển, đảo, nhất là âm mưu, ý đồ và hoạt động của các thế lực thù địch và tội phạm. Tham mưu, đề xuất các phương án, kế hoạch, đối sách đảm bảo chủ quyền, lãnh hải, lợi ích quốc gia và an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo.

Phân công, phân cấp trong thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự; cụ thể hóa cơ chế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong đảm bảo an ninh, trật tự tại vùng biển, đảo.

Rà soát biên chế các đơn vị Công an làm công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng biển, đảo; trước mắt ưu tiên việc luân chuyển, tăng cường cán bộ, bố trí số sỹ quan, chiến sỹ mới tốt nghiệp từ các trường Trung cấp, Đại học trong Công an nhân dân được duyệt về tỉnh để tăng cường cho lực lượng Công an làm công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng biển, đảo, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Tổ chức phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng ngư dân vùng biển, đảo và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại khu vực biển, đảo.

Tập trung làm tốt công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong nhân dân, chủ trì đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động khủng bố, phá hoại của các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong... trên địa bàn tỉnh. Triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường. Điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật, tiến hành xác minh các trường hợp ngư dân và tàu cá trên địa bàn tỉnh bị phía nước ngoài bắt giữ, trao trả về địa phương, phân loại đưa vào diện quản lý, theo dõi, đề phòng cơ quan đặc biệt nước ngoài lợi dụng thu thập thông tin tình báo khu vực tuyến biên giới biển. Tham mưu giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là các vụ đình công, lãn công, tranh chấp khiếu kiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá. Đồng thời, chỉ đạo Công an các địa phương ven biển xây dựng các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT tuyến, mục tiêu, lĩnh vực; quản lý có hiệu quả hoạt động đối tượng người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp và các hoạt động thương mại ven biển, đảo.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên biển, đảo trong phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm được phân công.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Tham mưu đề xuất các phương án, kế hoạch, đối sách quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, lợi ích quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới biển, phục vụ phát triển kinh tế biển, đảo; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân vùng biển, đảo; củng cố duy trì hoạt động mô hình “tổ thuyền đoàn kết khai thác hải sản trên biển”; Tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia bảo vệ thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản và tham gia có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Triển khai đồng bộ biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình địa bàn, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người và các phương tiện khi xuất bến, đảm bảo đầy đủ các thủ tục giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch nắm bắt tàu thuyền hoạt động ở những vùng nhạy cảm có biện pháp vận động, tuyên truyền phù hợp để các chủ tàu, thuyền trưởng khi hoạt động khai thác hải sản không xâm phạm vùng biển nước ngoài; phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động xâm phạm, vi phạm chủ quyền vùng biển; mua bán vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy, vật liệu nổ; buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản trên biển; gian lận thương mại và các vi phạm pháp luật khác. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển của tỉnh.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[...]