Kế hoạch 338/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 338/KH-UBND
Ngày ban hành 10/06/2022
Ngày có hiệu lực 10/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 338/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 10 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung trọng tâm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022, đảm bảo phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh. Trong đó, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và gắn với nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện từ nay đến năm 2025; xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần bổ sung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025; từng bước tạo chuyển biến trong tái cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trên cơ sở đó các cấp, các ngành thống nhất nhận thức, hành động và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

2. Quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành cần bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo khác của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Kế hoạch của UBND tỉnh. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng, yêu cầu đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025

Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế; đảm bảo hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm tận dụng các lợi thế của địa phương; các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp giá trị cao cho nền kinh tế. Gắn kết tăng trưởng nhanh với tiến bộ xã hội, bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để hướng tới phát triển bền vững.

2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025

Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đề ra tiếp tục bám sát mục tiêu và phấn đấu vượt mức của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

(1) Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 13,4%/năm; đến năm 2025 năng suất lao động bình quân đạt trên 230 triệu đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động vùng kinh tế trọng điểm cao hơn bình quân chung của tỉnh.

(2) Nâng tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng năm 2025 đạt khoảng 30-35%.

(3) Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 25%; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%.

(4) Đến năm 2025, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu toàn quốc.

(5) Phấn đấu đạt khoảng 17.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 5% doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào GDP khoảng 30-35%.

(6) Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 700 hợp tác xã, trong đó có khoảng 40% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; có 30-40% hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình OCOP.

(7) Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 470 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%.

(8) Giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công cấp tỉnh tự chủ tài chính đạt 25%.

(9) Tỷ trọng chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không dưới 1% GRDP; số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021-2025.

(10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 25,1%. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48,6%; lĩnh vực dịch vụ khoảng 25,7%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 25,7%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, các Nghị quyết, chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cần tập trung cao vào một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau:

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập

1.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu các giải pháp tăng cường quản lý đầu tư công; phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước; tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng thúc đẩy liên kết, hạ tầng kinh tế số, giáo dục, y tế, văn hóa, vùng khó khăn.

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương đề xuất các dự án để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. Chủ động đề xuất, huy động các nguồn vốn Trung ương, vốn ODA để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Phân bổ các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư.

1.2. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng; tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả đầu tư công; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước trong quá trình thực hiện đầu tư công.

[...]