Kế hoạch 3273/KH-UBND năm 2022 về tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025" trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 3273/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2022
Ngày có hiệu lực 06/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3273/KH-UBND

Lai Châu, ngày 06 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CHUẨN BỊ TIẾNG VIỆT CHO TRẺ MẦM NON VÀ HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025” TRÊN CƠ SỞ TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” và Quyết định số 5006/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Giai đoạn 2 Đề án) theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Tập trung phát triển năng lực ngôn ngữ cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS; góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào DTTS. Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tiền đề để học tập và lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung.

2. Yêu cầu

Việc thực hiện triển khai Giai đoạn 2 Đề án đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; huy động nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ các điều kiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, giúp trẻ có kĩ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài nhà trường, nhằm giúp trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS có cơ hội giao lưu và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình tiểu học.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Ít nhất 50% trẻ em độ tuổi nhà trẻ và 99,8% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.

100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt; trong đó trẻ em 5 tuổi người DTTS được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1.

100% trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS đến trường được học 2 buổi/ngày, tham gia các hoạt động tăng cường và giao lưu tiếng Việt; học sinh được hình thành văn hóa đọc và thói quen đọc.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên dạy trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Tiếp tục khuyến khích đưa tiêu chí tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh người DTTS vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để chỉ đạo và thực hiện.

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông

Tuyên truyền, phổ biến về mục đích và sự cần thiết của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

Tuyên truyền, kết nối chính quyền địa phương, trường mầm non, tiểu học hỗ trợ trẻ sẵn sàng đi học; hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em tại các gia đình và cộng đồng.

Tăng cường công tác truyền thông; thiết kế và triển khai các chương trình, phóng sự, trang tin, chuyên mục, chuyên đề về tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em người DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo điều kiện cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng tham gia có hiệu quả việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS.

3. Đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt

Tiếp tục thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường, lớp; rà soát đầu tư xây dựng, mua sắm, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo đúng quy định cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học nhằm tạo điều kiện các em có môi trường học tập tốt, an toàn, phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Bổ sung, thay thế, cung cấp trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi học tập, học liệu, phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em, học sinh người DTTS, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Phát động và duy trì phong trào tự làm đồ dùng đồ chơi tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; khuyến khích các bậc cha mẹ trẻ và cộng đồng dân cư nơi có trẻ DTTS cùng sưu tầm nguyên vật liệu địa phương, làm đồ dùng, đồ chơi, học liệu để bổ sung, tăng cường cho các nhóm, lớp.

[...]