ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 729/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
22 tháng 3 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2 THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ
1008/QĐ-TTG NGÀY 02/6/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG
TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM MẦM NON, HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN
2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025” TRÊN CƠ SỞ TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính
quyền địa phương;
Căn cứ Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016
của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em
mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng
đến 2025";
Căn cứ Quyết định số 5006/QĐ-BGDĐT ngày
31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch Giai đoạn 2 thực hiện Đề
án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc
thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của
trẻ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 264/TTr-SGDĐT ngày 09/02/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Kế hoạch triển khai giai đoạn 2 thực hiện Quyết định số
1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường
tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn
2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn tỉnh
Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội,
đoàn thể liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GDĐT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- QCT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- V0, V3, GD, TM5;
- Lưu VT, GD.
GDTH-04.GD
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Hạnh
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI GIAI ĐOẠN 2 THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1008/QĐ-TTG NGÀY 02/6/2016 CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM MẦM NON, HỌC SINH
TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025” TRÊN
CƠ SỞ TIẾNG MẸ ĐẺ CỦA TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 22/3/2023 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016
của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm
non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến
2025” và Quyết định số 5006/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
(GDĐT) ban hành Kế hoạch Giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho
trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định
hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây
dựng Kế hoạch triển khai giai đoạn 2 Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả Giai
đoạn 2 Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, phát triển năng lực ngôn
ngữ cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng
mẹ đẻ của trẻ; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn
sàng cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số đến trường tiểu học; nâng cao chất
lượng giáo dục phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần bảo
tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
2. Việc thực hiện triển khai Đề án đảm bảo hiệu quả,
thiết thực, huy động các nguồn lực cùng tham gia.
II. MỤC TIÊU
I. Mục tiêu chung
Thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non,
học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) dựa trên sự hỗ trợ của tiếng mẹ
đẻ của trẻ nhằm nâng cao cho các em những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng
Việt đê hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu
học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp
phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững
các dân tộc thiểu số trên địa tỉnh Quảng Ninh và cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 52% trẻ em
người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo,
trong đó 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) được tập
trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi;
2.2. Duy trì vững chắc 100% học sinh tiểu học người
DTTS được tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ và từng bước nâng
cao chất lượng hoạt động này.
2.3. 100% cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) mầm
non và tiểu học vùng DTTS được bồi dưỡng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng
tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ của trẻ.
2.4. 100% trường mầm non, tiểu học học vùng DTTS được
bổ sung đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học tăng cường
tiếng Việt.
III. NHIỆM VỤ VÀ LỘ TRÌNH THỰC
HIỆN
1. Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện
Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Đề án Giai đoạn 2 thực hiện Quyết
định số 1008/QĐ-TTg, ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đẩy mạnh công tác truyền thông; tuyên truyền sâu
rộng về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án, đặc biệt quan tâm đến các
đối tượng Nhân dân, phụ huynh, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây
dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ tại gia đình
3. Rà soát, đánh giá và tiếp tục triển khai thực hiện
đầy đủ, hiệu quả, đúng quy định các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh
Quảng Ninh đối với trẻ em người dân tộc thiểu số, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm
non thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người
dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; nghiên cứu tham mưu ban hành
các cơ chế, chính sách phù hợp đặc thù của tỉnh.
4. Tiếp tục đầu tư, xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở
vật chất trường học; mua sắm trang (mua lần đầu và rà soát để bổ sung, thay
thế) thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, tài liệu, học liệu, phần mềm... phù
hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường lẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non,
tiểu học thực hiện Đề án theo đúng quy định.
5. Rà soát, xây dựng và tổ chức các lớp bồi dưỡng
tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên dạy trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người
dân tộc thiểu số; tập huấn nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt trên cơ sở
tiếng mẹ đẻ của trẻ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy trẻ em
người dân tộc thiểu số.
6. Xây dựng, thực hiện chương trình, giáo trình đào
tạo sinh viên khoa giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học có bổ sung nội dung giáo
dục tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em, học sinh người dân
tộc thiểu số vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học tại Trường Đại
học Hạ Long.
7. Xây dựng môi trường tiếng Việt trên cơ sở tiếng
mẹ đẻ của trẻ và tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt trong các cơ sở
GDMN có trẻ em người dân tộc thiểu số theo hướng khai thác, vận dụng các yếu tố
văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.
8. Tổ chức tập huấn sử dụng và triển khai phần mềm
dạy học tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số.
9. Rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm và tiếp tục phối
hợp triển khai hiệu quả công tác xây dựng bản đồ ngôn ngữ ở các địa phương có
nhiều dân tộc thiểu số; biên tập sổ tay từ ngữ tiếng dân tộc giúp giáo viên có
tài liệu học tiếng mẹ đẻ của trẻ.
10. Huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng, Hội
phụ nữ, Đoàn thanh niên tham gia dạy tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho cha
mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số; các cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn
viên của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng
Việt cho cha, mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số.
11. Bố trí nguồn lực theo phân cấp; khuyến khích
nguồn kinh phí huy động xã hội hóa theo quy định để thực hiện Kế hoạch.
12. Tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực
hiện Kế hoạch, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; tổ chức
sơ kết (hằng năm bằng hình thức báo cáo), tổng kết (kết thúc giai đoạn thực hiện
Kế hoạch), báo cáo kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
IV. KINH PHÍ
Ngân sách chi thường xuyên của cấp tỉnh và cấp huyện
theo phân cấp, táng cường huy động nguồn xã hội hóa theo quy định:
- Ngân sách sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh: Chi các cuộc
tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cốt cán chuyên môn; mua sắm thiết bị tập trung.
- Ngân sách sự nghiệp giáo dục cấp huyện: Chi các
cuộc hội nghị, tập huấn cán bộ giáo viên đại trà, mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ
chơi, tài liệu, học liệu và xây dựng, cải tạo, sửa chữa các cơ sở giáo dục trực
thuộc cấp huyện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Kế hoạch
giai đoạn 2 của Đề án. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể; chỉ
đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình để triển khai thực
hiện các nội dung giai đoạn 2 Đề án theo từng năm và giai đoạn. Thực hiện các
nhiệm vụ thuộc cơ quan cấp tỉnh.
- Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực
tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ cho đội ngũ cán bộ quản
lý, giáo viên mầm non, tiểu học dạy trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS). Chỉ đạo
các đơn vị hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em, học sinh người DTTS học tiếng dân tộc tại
địa phương nơi giáo viên công tác để áp dụng song ngữ: tăng cường tiếng Việt
trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số
cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ em, học sinh người DTTS phù hợp với ngôn ngữ đặc
thù vùng miền.
- Định kỳ tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá, tổng
hợp kết quả thực hiện Kế hoạch; chỉ đạo các địa phương thực hiện sơ kết, tổng kết,
báo cáo kết quả thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính và Sở GDĐT cân đối ngân
sách và lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo đủ kinh phí thực hiện Kế hoạch theo
đúng tiến độ đề ra.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các Sở, ngành
liên quan trình UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các hoạt động
của Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách hiện hành và
khả năng cân đối ngân sách hằng năm của ngân sách địa phương.
- Phối hợp với Sở GDĐT hướng dẫn, kiểm tra các địa
phương, đơn vị trong việc phân bổ, thanh, quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch
hằng năm theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản
hướng dẫn.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các địa phương:
Tham mưu triển khai việc tuyển dụng đội ngũ viên chức cho cấp học mầm non, tiểu
học trong chỉ tiêu số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo
đủ về số lượng, đạt về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu để đáp ứng nguồn nhân lực
triển khai, thực hiện hoàn thành các mục tiêu theo Kế hoạch đã phê duyệt”.
5. Ban Dân tộc tỉnh
Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công
tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về phát triển giáo dục, sự
cần thiết tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người DTTS. Tiếp tục phối hợp với
các cơ quan liên quan thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh liên
quan đến việc thực hiện Đề án và kế hoạch này, trong đó quan tâm đến các chính
sách hỗ trợ dành cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS và đội ngũ
giáo viên trực tiếp dạy trẻ em, học sinh người DTTS; phối hợp Sở Giáo dục và
Đào tạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các địa phương trên địa
bàn tỉnh.
6. Các Sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội,
đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh
Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch theo vai trò, chức năng
nhiệm vụ và khả năng của đơn vị.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch Đề án giai đoạn 2, bố
trí kinh phí và chịu trách nhiệm toàn diện về việc triển khai, thực hiện Kế hoạch
tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em, học sinh người DTTS trên địa bàn.
- Xây dựng lộ trình, chuẩn bị đủ các điều kiện về đội
ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu; tham
mưu ban hành chính sách của địa phương... để hỗ trợ cho công tác tăng cường tiếng
Việt đối với trẻ em, học sinh người DTTS trên địa bàn đảm bảo đạt mục tiêu, tiến
độ, thời gian quy định. Ưu tiên bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên là người dân tộc
thiểu số (biết tiếng dân tộc) công tác ở vùng dân tộc.
- Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp
pháp nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch tại địa phương; từng bước đầu tư xây dựng,
hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu
trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học phù hợp với tình hình thực tế, đặc
biệt đối với các nhóm, lớp ở vùng khó khăn, các điểm trường lẻ có trẻ em người
DTTS.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực
hiện tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người DTTS trên địa bàn và định kỳ 6
tháng, hàng năm, sơ kết, tổng kết gửi báo cáo về Sở GDĐT để tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh.
8. Trường Đại học Hạ Long: Tổ chức nghiên cứu,
bổ sung nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ
em, học sinh người DTTS vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học tại
Trường Đại học Hạ Long.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai Giai đoạn 2 thực hiện
Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề
án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc
thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của
trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành của tỉnh,
UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan triển khai, thực hiện./.