Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 32/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2023
Ngày có hiệu lực 24/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 24 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu tổng quát

- Khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới.

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của Chương trình để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch, xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái;

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; có điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

- Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

- Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

- Phấn đấu chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 50% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ

1. Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

- Định hướng, bố trí và tổ chức không gian vị trí các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

- Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.

- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện, nước sạch, hạ tầng y tế chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom, xử lý rác thải, nước thải,…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa.

- Bố trí và xây dựng các điểm, nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.

- Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn,…).

- Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.

2. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền

- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…). Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

- Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

- Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

- Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống gắn với du lịch nông thôn.

[...]