Kế hoạch 79/KH-UBND về phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023

Số hiệu 79/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2023
Ngày có hiệu lực 10/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 10/02/2022 về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023; Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2022 và đề xuất của Sở Du lịch tại Tờ trình số 04/TTr-SDL ngày 17/02/2023, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Mục đích

- Thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội; Tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Thành phố, giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, khẳng định là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới.

2. Yêu cầu

- Các giải pháp phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao.

- Tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có tác động ngay và hệ thống chính sách dài hạn có tác động thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển bền vững.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục vụ khách du lịch.

- Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, tour du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đáp ứng trải nghiệm của khách du lịch.

3. Định hướng phát triển du lịch Thủ đô

- Phát triển du lịch Hà Nội đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía bắc và cả nước; vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

- Tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá giai đoạn tới bao gồm: du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

- Triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế; trong đó tập trung các giải pháp phục hồi thị trường khách khách du lịch Trung Quốc trên cơ sở đảm bảo và sẵn sàng phương án phòng, chống dịch COVID-19.

- Tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế thông qua các giải pháp:

+ Định hướng khách du lịch tham gia vào các tuyến du lịch được đầu tư chuyên nghiệp, bài bản. Định hướng dòng khách du lịch sẽ tham gia các tuyến, hoạt động du lịch và có lưu trú tại khu vực ngoại thành Thành phố như: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây... trước khi đến tham quan du lịch khu vực trung tâm Thành phố.

+ Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đêm, các hoạt động trải nghiệm gia tăng tại các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm.

+ Phát triển và hình thành các sản phẩm quà tặng đặc sắc, độc đáo của du lịch Thủ đô. Thu hút và đầu tư các điểm bán sản phẩm du lịch quà tặng trên địa bàn Thành phố.

4. Mục tiêu, chỉ tiêu

- Phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2023 đạt trên 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, gồm: 3,0 triệu lượt khách quốc tế (trong đó khoảng 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng gấp 2 lần so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022; Tổng thu từ khách du lịch đạt 77 ngàn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022.

- Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 45%, tăng 5 điểm % so năm 2022.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Rà soát quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ

- Hoàn thiện Phương án sơ bộ Quy hoạch du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; xâu chuỗi, tích hợp quy hoạch cụm du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển một số khu, điểm du lịch thực sự đặc sắc, nổi bật, mang thương hiệu du lịch Thủ đô, là đại diện hình ảnh phục vụ cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Thành phố như: Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Vườn Quốc gia Ba Vì...

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn Thành phố như: Công viên vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh), Dự án tuyến cáp treo Hương Bình, chùa Hương (huyện Mỹ Đức),... Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án lớn như: Dự án Tổ hp mua sắm (Outlet), Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch, Bến cảng Bát Tràng...

[...]