Kế hoạch 3181/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 987/QĐ-TTg và Kế hoạch 133-KH/TU thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 3181/KH-UBND
Ngày ban hành 26/08/2020
Ngày có hiệu lực 26/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3181/KH-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 987/QĐ-TTG NGÀY 09 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 133-KH/TU NGÀY 09 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2020 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong giai đoạn hiện nay.

3. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

4. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xác định vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực thích đáng, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, chính quyền và toàn xã hội trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai; đề cao trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp hành động của chính quyền các cấp góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tình hình mới.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là ở cơ sở để thực hiện tốt trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương. Nâng cao năng lực phối hợp xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ của các cấp, các ngành trong công tác ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai.

- Công tác thông tin, tuyên truyền cần tổ chức thực hiện thường xuyên, kịp thời đến các đối tượng, tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...; hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng giai đoạn phòng chống thiên tai, phù hợp đặc điểm từng vùng, từng nhóm cộng đồng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương.

- Tuyên truyền, phổ biến cách tiếp cận, giải pháp mới về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như quản lý rủi ro thiên tai hạn hán, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, khoa học công nghệ, các công cụ hỗ trợ, thiết bị cảnh báo sớm và phục hồi và tái thiết sau thiên tai tốt hơn; phản ánh việc triển khai giải pháp thực hiện ở các địa phương; phát huy tinh thần tương thân tương ái và những nghĩa cử cao đẹp trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân để giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn mỗi khi thiên tai xảy ra.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

- Rà soát, đánh giá, hoàn thiện hơn nữa việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng dân cư an toàn.

- Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai.

3. Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật theo thẩm quyền; triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với các cơ chế, chính sách, quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định có liên quan, tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan cho phù hợp, bảo đảm thống nhất, khắc phục chồng chéo, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh giai đoạn 2020-2025 và chương trình, kế hoạch hằng năm của các sở, ngành liên quan và chính quyền cấp huyện, xã. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ lập quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với yêu cầu về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm tình hình của địa phương, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, khu vực đông dân cư, các lưu vực sông, suối.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống thiên tai của các ngành và địa phương; nhất là công tác củng cố lực lượng "bốn tại chỗ", chất lượng các công trình nhà ở, cơ quan, các tuyến giao thông, các công trình thủy lợi xung yếu... Trên cơ sở đó đánh giá các nguy cơ và xây dựng các giải pháp khắc phục, chủ động phòng ngừa nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

4. Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai

- Nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai theo đúng Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai nhằm cung cấp kịp thời, chính xác diễn biến và dự báo xu hướng, mức độ thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.

- Rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, bản đồ vùng nguy cơ hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; bổ sung, hoàn thiện cấp độ rủi ro phù hợp với các loại hình thiên tai, điều kiện tự nhiên, môi trường, đặc điểm dân cư, kết cấu hạ tầng... của địa phương để xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai cho phù hợp.

- Tăng cường công tác đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ, kịp thời thông tin trong mọi tình huống thiên tai từ cấp tỉnh cho đến cơ sở, nhất là vùng thường xuyên xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, bị chia cắt, cô lập. Chính quyền các cấp, đặc biệt cấp cơ sở và người dân thường xuyên được cung cấp các thông tin về dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai.

[...]