Quyết định 987/QĐ-TTg năm 2020 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 987/QĐ-TTg
Ngày ban hành 09/07/2020
Ngày có hiệu lực 09/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 987/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 42-CT/TW NGÀY 24/3/2020 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

t đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, với nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt, thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Việc triển, khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn của các bộ, ngành, địa phương.

4. Căn cứ nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực thực hiện.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ phân công một số nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan như sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

a) Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông: Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng”; phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đổi mới về phương pháp, hình thức tuyên truyền, chú trọng mạng xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tới nhân dân và các cấp chính quyền nhất là ở cơ sở.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Bộ, ngành liên quan, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt nam chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó trước hết rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 và Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai; Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp và các văn bản pháp luật khác có liên quan bảo đảm thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai.

3. Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan rà soát, hướng dẫn kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành và hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng chuyên môn hóa, đảm bảo sự tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai các cấp, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có.

b) Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương rà soát, cập nhật điều chỉnh, hoàn thiện Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành và bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai trực thuộc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế.

4. Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới.

[...]