Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 511/KH-UBND năm 2020 thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 511/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Ngọc Sơn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 511/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01-NQ/TU NGÀY 19/11/2020 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI NĂM 2020; MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ NHẰM GIẢM THIỂU THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA TRONG NHỮNG NĂM TIẾP THEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Trong năm 2020, tỉnh ta liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa, lũ lớn kéo dài. Đặc biệt, từ ngày 15/10 đến 21/10/2020 xảy ra đợt mưa đặc biệt to, có nơi gần 1.400mm; mưa, lũ đã gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, thị xã; tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi. Những thiệt hại do mưa, lũ gây ra ảnh hưởng rất nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc sống của Nhân dân, đòi hỏi cần sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và có nguồn lực khắc phục.

Để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, đề xuất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Văn bản số 293/PCTT ngày 11/12/2020 và Văn bản số 308/PCTT ngày 24/12/2020; ý kiến thống nhất của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách khối; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phân rõ trách nhiệm, tích cực, chủ động của chính quyền các cấp, thủ trưởng các đơn vị huy động nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 19/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết đến các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh về yêu cầu cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Yêu cầu

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị phải thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trực tiếp phụ trách để triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài của Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 19/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 12/2020.

- Kế hoạch này là căn cứ cho các ngành, địa phương xây dựng chương trình cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau chung tay khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống; ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống thiên tai cho nhân dân; phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai cho cộng đồng thực sự sâu rộng, có hiệu quả thiết thực.

- Tổ chức đánh giá đúng thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo dân chủ, khách quan; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý phân phối hàng cứu trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, đảm bảo công bằng, dân chủ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, phân phối, sử dụng; kịp thời phát hiện, bổ cứu các sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đảm bảo không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, nhu yếu phẩm thiết yếu; đến hết tháng 6 năm 2021, đảm bảo 100% gia đình bị thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra đều có chỗ ở an toàn; những hộ dân có nhà bị đổ, sập, hư hỏng nặng được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa kiên cố.

- Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sinh hoạt; tổ chức vệ sinh đồng ruộng, chuồng trại, ao hồ nuôi trồng thủy sản, phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 24/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét, sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, kịp thời phục vụ sản xuất, dân sinh, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

- Lập, rà soát điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch trung hạn 2021-2025 của địa phương, gắn chặt giữa quy hoạch chung với quy hoạch chuyên ngành đảm bảo thích ứng với Biến đổi khí hậu; nghiêm cấm bố trí khu dân cư, công trình lấn chiếm hành lang thoát lũ lòng sông, lòng suối, gây cản trở thoát lũ, làm gia tăng thêm rủi ro khi lũ, lụt xảy ra.

- Tổ chức xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025 ứng với từng cấp độ rủi ro thiên tai, sát với tình hình cụ thể của địa phương mình để chủ động ứng phó; trong đó chú trọng chuẩn bị tốt nhất phương châm “bốn tại chỗ” kịp thời, linh hoạt. Đảm bảo đến cuối tháng 7/2021 tất cả các xã vùng thường xuyên bị ngập lũ phải có đội thuyền cứu hộ do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt; xây dựng cơ chế huy động nhanh chóng tàu thuyền công suất nhỏ của các ngư dân tham gia công tác cứu hộ trong tình huống lũ lụt khẩn cấp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng, chất lượng các công trình để điều, hồ đập, các công trình hạ tầng kỹ thuật xung yếu, kịp thời xử lý các hư hỏng, sự cố.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các địa phương đánh giá đúng thiệt hại do thiên tai gây ra. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí kịp thời hỗ trợ các địa phương khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt bị thiệt hại.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ, lụt; đồng thời làm rõ hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém để bổ sung cho phương án năm 2021 và những năm tiếp theo.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về giống, phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm đảm bảo chất lượng, năng suất cao để phục vụ bà con nông dân triển khai sản xuất vụ Đông 2020 và vụ Xuân 2021 thắng lợi giảm bớt khó khăn do thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua; tổ chức tốt tiêm phòng đợt 2 năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời bao vây, dập tắt.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách về nông nghiệp; phối hợp các sở, ngành xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo từng cấp độ, sát với tình hình cụ thể của tỉnh để chủ động ứng phó với diễn biến khí hậu, nhất là với trường hợp bão mạnh, siêu bão, mưa, lũ cực đoan.

- Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Dự án Tăng cường thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ, có giải pháp nhằm tăng khả năng phòng lũ của hồ chứa, tăng cường thiêu thoát lũ và giảm ngập lụt cho vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ PCTT và TKCN các cấp.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ trì, chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các cấp; nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức tốt công tác thường trực, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh các quyết định cảnh báo và các biện pháp đối phó với thiên tai kịp thời, hiệu quả, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra;

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan phân bổ kịp thời nguồn vốn được hỗ trợ để các địa phương, đơn vị khôi phục nhanh cơ sở hạ tầng bị thiệt hại.

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh; chính sách huy động nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy.

[...]