Kế hoạch 3160/KH-UBND về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Ninh Thuận năm 2022

Số hiệu 3160/KH-UBND
Ngày ban hành 19/07/2022
Ngày có hiệu lực 19/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Phan Tấn Cảnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3160/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) TỈNH NINH THUẬN NĂM 2022

Theo kết quả điều tra PCI 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Ninh Thuận xếp vị trí thứ xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố; đạt 62,23 điểm, giảm 1,21 điểm (năm 2020 là 63,44 điểm), giảm thứ hạng 17 bậc, nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế trung bình. Trong 10 CSTP của tỉnh: Có 04 CSTP tăng điểm số và thứ hạng: (1) Chi phí không chính thức, (2) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, (3) Đào tạo lao động, (4) Tiếp cận đất đai; có 06 CSTP giảm điểm số và thứ hạng: (1) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, (2) Cạnh tranh bình đẳng, (3) Tính minh bạch, (4) Chi phí thời gian, (5) Tính năng động của chính quyền tỉnh, (6) Gia nhập thị trường.

Để khắc phục và tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của chỉ số PCI, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Ninh Thuận năm 2022 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh một cách bền vững; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh trong việc cải thiện kết quả và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

2. Mục tiêu cụ thể:

Nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI hằng năm của tỉnh, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đưa tỉnh vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế - xã hội ở nhóm khá của cả nước; tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần bị giảm điểm, thúc đẩy cải thiện các chỉ số tăng điểm trong năm 2022, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số, cụ thể như sau:

- Phấn đấu tăng điểm số PCI của Ninh Thuận năm 2022 đạt khoảng 68,9 điểm, đưa PCI Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh điều hành kinh tế thuộc nhóm khá. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI như: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%), Đào tạo lao động (20%), Tính minh bạch (20%), Chi phí không chính thức (10%).

- Phấn đấu đến hết năm 2022, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt so với các chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể: (1) Gia nhập thị trường đạt từ 7,28 điểm lên trên 7,50 điểm; (2) Tiếp cận đất đai tăng từ 6,87 điểm lên trên 7,10 điểm; (3) Tính minh bạch tăng từ 5,47 điểm lên trên 6,60 điểm; (4) Chi phí thời gian tăng từ 7,03 điểm lên trên 7,50 điểm; (5) Chi phí không chính thức tăng từ 8,39 điểm lên trên 8,50 điểm; (6) Cạnh tranh bình đẳng tăng từ 5,19 điểm lên trên 6,20 điểm; (7) Tính năng động của Chính quyền tỉnh tăng từ 6,77 điểm lên trên 7,10 điểm; (8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 5,07 điểm lên trên 6,15 điểm; (9) Đào tạo lao động tăng từ 6,18 điểm lên trên 6,60 điểm; (10) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng từ 7,70 điểm lên trên 8,00 điểm.

II. YÊU CẦU

1. Yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ đổi mới tư duy, nắm vững nội dung các Chỉ số thành phần PCI, chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI gắn với nâng cao chất lượng điều hành phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại đơn vị phụ trách, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả tỉnh.

Tiếp tục quán triệt nhận thức cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.

Người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải nêu cao trách nhiệm, coi cải thiện, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức nếu phát hiện có thái độ sách nhiễu, tiêu cực.

Chú trọng xây dựng các mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiên quyết vượt khó và đoàn kết cùng thực hiện.

2. Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì làm đầu mối thực hiện việc cải thiện điểm số và thứ hạng từng Chỉ số thành phần có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì và cùng chịu trách nhiệm về các Chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM:

1. Tập trung khắc phục để tăng điểm và vị trí xếp hạng các chỉ số bị giảm điểm, giảm thứ hạng năm 2021

06 CSTP giảm điểm số và thứ hạng: (1) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, (2) Cạnh tranh bình đẳng, (3) Tính minh bạch, (4) Chi phí thời gian, (5) Tính năng động của chính quyền tỉnh, (6) Gia nhập thị trường.

1.1. Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Mục tiêu phấn đấu đạt trên 6,15 điểm, tăng 1,08 điểm so năm 2021 (nhiệm vụ cụ thể tại Phụ lục đính kèm).

a) Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: phát triển hạ tầng, tạo mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; phát triển nguồn nhân lực; hình thành các chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số; đổi mới, chuyển giao công nghệ, phát triển thương hiệu và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

b) Sở Công Thương

- Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn thực thi các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); phối hợp nắm bắt tình hình và tham mưu tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các EVFTA; hướng dẫn thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các EVFTA.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường; đẩy mạnh kết nối cung cầu để tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.

[...]