Kế hoạch 313/KH-UBND năm 2024 phát triển ngành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030

Số hiệu 313/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2024
Ngày có hiệu lực 23/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 313/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 23 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HOA, CÂY CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26 tháng 10 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030;

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào nội dung các căn cứ pháp lý;

Thực hiện Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

Sau khi xem xét nội dung báo cáo, kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4366/TTr-SNN ngày 11 tháng 9 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững, gắn liền với việc đa giá trị sản phẩm nông nghiệp như phục vụ chế biến, du lịch, ...; góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025: Diện tích hoa, cây cảnh trên toàn tỉnh đạt 709 ha. Trong đó: hoa 605 ha, cây cảnh 104 ha.

b) Đến năm 2030: Diện tích hoa, cây cảnh trên toàn tỉnh đạt 856 ha. Trong đó: hoa 708 ha, cây cảnh 148 ha.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Tập trung phát triển sản xuất hoa cắt cành (cúc, lay ơn, huệ), hoa lan, hoa sen, bon sai, cây cảnh công trình chủ yếu ở các địa phương như: Xuân Lộc, Thống Nhất, thành phố Long Khánh và Biên Hòa...

(Phụ lục I đính kèm).

1. Về công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức (báo, đài, hội nghị, ...) về ý nghĩa của sinh vật cảnh trong đời sống, tạo cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; định hướng phát triển ngành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh, các chính sách hỗ trợ phát triển, các mô hình sản xuất tiêu biểu, tình hình thị trường, các kỹ thuật, công nghệ ứng dụng hiệu quả trong sản xuất hoa cảnh, ... Đối với các huyện, thành phố vùng Tây Nam, thực hiện lồng ghép trong Đề án Nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai.

2. Về tổ chức sản xuất

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam về hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng bonsai, cây cảnh, hoa lan, hoa nền các loại; định hướng phát triển hoa, cây cảnh trong phương án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; lồng ghép trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất hoa, cây cảnh phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất hoa, cây cảnh.

Phát triển chuỗi sản xuất hoa, cây cảnh trong đó doanh nghiệp là trọng tâm liên kết với các hộ gia đình thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác.

3. Về khoa học công nghệ

Tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống hoa, cây cảnh có chất lượng tốt, đặc trưng và phù hợp với điều kiện của tỉnh, thị hiếu người tiêu dùng để định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, tạo tán, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm; khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác bền vững: hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh như: Các giống hoa, cây cảnh mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ của tỉnh; quy trình trồng và chăm sóc phù hợp với từng giống hoa, cây cảnh; cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và thu hoạch; hệ thống canh tác không cần đất; kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, kỹ thuật điều khiển thời điểm ra hoa, kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt; kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch đối với hoa, cây cảnh; các mô hình nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện đầu tư của người sản xuất; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh.

4. Về xúc tiến thương mại

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, xây dựng website, nhãn hiệu hàng hóa cho các cơ sở sản xuất hoa, cây cảnh.

Hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoa, cây cảnh tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm thương mại, sinh vật cảnh và hội hoa xuân trong và ngoài tỉnh.

[...]