Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 37/KH-UBND
Ngày ban hành 06/02/2023
Ngày có hiệu lực 06/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thành Công
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/KH-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH HOA, CÂY CẢNH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030.

Căn cứ Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 04/TTr-SNN ngày 05/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển ngành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La theo Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT Ngày 26/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030.

2. Yêu cầu

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện theo Kế hoạch này đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Phát triển ngành hoa

a) Về quy mô diện tích

- Phát triển ngành hoa phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương đến năm 2030. Tập trung phát triển các loại hoa tại các vùng có lợi thế của từng vùng sinh thái phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; đặc biệt là truyền thống văn hóa, sản xuất hoa gắn với điểm du lịch, trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Kế hoạch đến năm 2025, diện tích gieo trồng cây hoa ước đạt 350 ha; sản lượng ước đạt 122,5 triệu cành/bông, một số vùng trồng trọng điểm như:

+ Thành phố Sơn La 120 ha, sản lượng khoảng 42 triệu cành/bông.

+ Huyện Mộc Châu 100 ha, sản lượng khoảng 35 triệu cành/bông.

+ Huyện Vân Hồ 50 ha, sản lượng khoảng 17,5 triệu cành/bông.

+ Huyện Mai Sơn 20 ha, sản lượng khoảng 7 triệu cành/bông.

+ Huyện Mường La 10 ha, sản lượng khoảng 3,5 triệu cành/bông.

+ Huyện Sông Mã 10 ha, sản lượng 3,5 triệu cành/ bông.

+ Huyện Bắc Yên 10 ha, sản lượng 3,5 triệu cành/ bông.

+ Các huyện khác 30 ha (Sốp Cộp, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Thuận Châu), sản lượng 10,5 triệu cành/bông.

- Định hướng đến năm 2030, diện tích gieo trồng cây hoa ước đạt 600 ha; sản lượng ước đạt 210 triệu cành/bông.

b) Cơ cấu giống hoa

Loại hoa được trồng chủ yếu gồm: Nhóm hoa cắt cành (hồng, cúc, lay ơn, lily cao, đồng tiền cao, thược dược, hướng dương,…); nhóm các loại hoa trồng chậu (dạ yến thảo, đồng tiền lùn, lily lùn, sống đời, tiểu hồng môn,...); nhóm hoa lan (hồ điệp, vũ nữ, địa lan, lan bản địa,…); nhóm các loại cắm kèm (lá dương xỉ, lá thiết mộc lan, lá kim thủy tùng, lá thủy trúc,...) và nhóm các cây hoa khác,...

c) Ứng dụng công nghệ cao

- Kế hoạch đến năm 2025, diện tích trồng hoa có ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 10% bằng nhà lưới, nhà kính có sử dụng hệ thống tưới tự động, các quy trình chăm sóc được thiết lập tự động kết hợp phân bón, chất dinh dưỡng, kỹ thuật hãm hoặc thúc hoa để thu hoạch đúng thời điểm.

[...]