Kế hoạch 304/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 124/NQ-HĐND về giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 304/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2022
Ngày có hiệu lực 26/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 304/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 26 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 124/NQ-HĐND NGÀY 04/11/2022 CỦA HĐND TỈNH VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của HĐND tỉnh về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của HĐND tỉnh về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là 18 mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 10 mục tiêu đến năm 2030 với 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và chuyên đề trọng điểm và nguồn lực thực hiện được quy định trong Nghị quyết.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh theo chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Bảo đảm công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai toàn diện, hiệu quả; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và thực hiện chủ đề công tác hằng năm của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của HĐND tỉnh phải được thực hiện đồng bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện, tình hình thực tế ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương.

- Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân và người đứng đầu.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính; xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp gắn với định vị thương hiệu tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo động lực, sự đột phá và thu hút nhanh nguồn lực đầu tư xã hội vào tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Hàng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sụ phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) thông qua cải thiện mạnh mẽ tổng điểm và điểm từng chỉ số thành phần qua từng năm; Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh đứng trong nhóm 03 địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Về cải cách hành chính

(1) 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đúng quy trình, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Trung ương, trong đó xác định được những vấn đề ưu tiên giải quyết; 100% các kiến nghị sau kiểm tra, rà soát văn bản được cơ quan ban hành văn bản xem xét xử lý trong thời hạn quy định; kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến cơ sở.

(2) Giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

(3) 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

(4) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; 100% cơ quan nhà nước trong tỉnh bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh vị trí việc làm.

(5) Hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 90% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử.

(6) Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và có thêm ít nhất 01 đơn vị cấp huyện tự cân đối được ngân sách, tổng số toàn tỉnh có 6/13 đơn vị cấp huyện tự cân đối được ngân sách.

(7) Tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân qua các kênh đánh giá luôn đạt tỷ lệ trên 99%, trong đó mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan và hỗ trợ doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(1) Tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 doanh nghiệp thành lập mới; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD.

(2) Tỷ trọng lao động qua đào tạo đạt trên 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt trên trên 52%.

[...]