Kế hoạch 21/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Thành phố Cần Thơ năm 2024

Số hiệu 21/KH-UBND
Ngày ban hành 29/01/2024
Ngày có hiệu lực 29/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Việt Trường
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 29 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2024 CỦA CHÍNH PHỦ, GẮN VỚI THỰC HIỆN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2024

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; UBND[1] thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với những nội dung như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Qua thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ và các Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm từ năm 2014 đến nay, gắn với nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của thành phố đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và người lao động về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Sở, ban ngành và cơ quan, đơn vị đã chỉ định đầu mối chuyên trách việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP cũng như theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Chất lượng việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", “một cửa liên thông” và dịch vụ công trực tuyến toàn trình được nâng cao. Thủ tục thuế, hải quan được cắt giảm, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp qua mạng được vận hành hiệu quả đáp ứng được yêu cầu dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thời gian cấp phép các thủ tục chuyên ngành trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, xây dựng, thẩm định thiết kế công trình, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giảm mạnh.

Đối với tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới: Cấp mới 2.910 lượt hồ sơ đăng ký mới doanh nghiệp và các đơn vị phụ thuộc, trong đó 1.704 lượt hồ sơ đăng ký mới doanh nghiệp với tổng vốn 12.930 tỷ đồng, đạt 85,2% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp và đạt 92,4% kế hoạch về vốn, bằng 94,5% về số lượng doanh nghiệp và bằng 93,5% về vốn so cùng kỳ. Cấp thay đổi 5.340 lượt hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký, tăng 11,3% so cùng kỳ, trong đó có 542 doanh nghiệp tăng vốn với số vốn là 10.107 tỷ đồng, bằng 86,9% về số lượng doanh nghiệp và bằng 41,5% về vốn so cùng kỳ, có 61 doanh nghiệp giảm vốn với số vốn giảm là 15.045 tỷ đồng, bằng 87,1% về số lượng doanh nghiệp và gấp 4 lần về vốn so cùng kỳ; 711 lượt doanh nghiệp và 245 đơn vị phụ thuộc đăng ký tạm ngừng, tăng 23% về số lượng doanh nghiệp so cùng kỳ; 235 lượt doanh nghiệp và 529 đơn vị phụ thuộc thực hiện xong lượt hồ sơ giải thể, tăng 19,9% về số lượng doanh nghiệp; 371 lượt doanh nghiệp và 145 đơn vị phụ thuộc quay trở lại hoạt động, tăng 14,5% về số lượng doanh nghiệp so cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ doanh nghiệp nộp qua mạng điện tử đến cuối năm 2023: chiếm tỷ lệ 74,25%; đồng thời, trong năm 2023, thành phố thu hút được 9 dự án mới nâng tổng số dự án trên địa bàn thành phố lên 433 dự án.

Các chuyển biến trên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố có nhiều chuyển biến, tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết của HĐND[2], tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, UBND thành phố ban hành Kế hoạch này thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố cho năm 2024, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực của nền kinh tế; trong đó đặt trọng tâm vào các nội dung cải thiện cả về điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu Cần Thơ được đánh giá là “Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt”. Đặc biệt, tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp ngày càng tăng về quy mô, số lượng và chất lượng hoạt động.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về cải thiện môi trường kinh doanh: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thời gian gia nhập thị trường, rút ngắn hơn nữa thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, đăng quyền sở hữu công nghiệp, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường sinh thái bền vững nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế;

b) Về nâng cao năng lực cạnh tranh: Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, kiểm soát tham nhũng, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng quản lý hành chính đất đai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; cải thiện mạnh mẽ chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, các nhà đầu tư; phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có ý tưởng đột phá trong sản xuất kinh doanh. Tập trung cải thiện thứ hạng và chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm;

c) Về cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo: Nâng cao hơn nữa các chỉ số về Hạ tầng thông tin, chất lượng nhân lực trình độ cao; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các giải pháp về ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy tự do đổi mới sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả thị trường hàng hóa, dịch vụ và cạnh tranh công bằng;

d) Về nâng cao công tác hỗ trợ logistics: Từng bước hoàn chỉnh hạ tầng nâng cao chất lượng dịch vụ logistic, triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thông, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp;

đ) Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch: từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố; đẩy mạnh liên kết, xây dựng nhiều tour tuyến du lịch mới, hấp dẫn với các tỉnh, thành phố ký kết phát triển du lịch.

3. Yêu cầu

a) Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng và thống nhất về mục tiêu của Kế hoạch này, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ;

b) Quán triệt chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; xây dựng các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh đồng bộ bám sát Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ và bộ chỉ số thành phần PCI của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;

c) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác hậu kiểm; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao;

d) Sở, ban ngành thành phố và UBND quận, huyện phân công cán bộ đầu mối theo dõi việc triển khai, thực hiện Kế hoạch này. Xây dựng các giải pháp rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết các thủ tục gồm cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, thông quan hàng hóa...;

đ) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và các nghiên cứu khoa học phục vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững của thành phố. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh;

e) Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Phát hiện xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh và giải quyết thỏa đáng khiếu nại đối với các vụ việc vi phạm cạnh tranh, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên trái phép; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng;

g) Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); công khai trước kế hoạch thanh, kiểm tra tránh chồng chéo, trùng lắp; kết hợp thanh, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng;

h) Yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện lực, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ;

i) Sở, ban ngành thành phố, UBND quận, huyện rà soát, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện phối hợp giữa các cơ quan theo hướng: (i) xác định rõ cơ quan, đơn vị đầu mối chủ trì; (ii) phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan, đơn vị phối hợp. Đồng thời, đề xuất giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ, minh bạch và thực hiện công khai để người dân, doanh nghiệp dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận các quy định pháp luật;

k) Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của UBND thành phố.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ