Kế hoạch 300/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Nghị quyết 08-NQ/TU về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu | 300/KH-UBND |
Ngày ban hành | 28/01/2022 |
Ngày có hiệu lực | 28/01/2022 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Triệu Thế Hùng |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 300/KH-UBND |
Hải Dương, ngày 28 tháng 01 năm 2022 |
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương đã coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh; tổ chức thực hiện có kết quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước và một số chính sách riêng của tỉnh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Với tinh thần vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có những bước chuyển biến, đạt tiến bộ trên một số mặt[1]. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, nhất là về cải cách thủ tục hành chính2; hiệu lực, hiệu quả quản trị hành chính của chính quyền các cấp được nâng lên, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cơ bản được xử lý, tháo gỡ kịp thời đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân đối với các cấp chính quyền tiếp tục được nâng lên. Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Năm 2021, trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khích lệ, vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, tăng tốc phát triển ở những tháng cuối năm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/14 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,6%, đứng thứ 12 cả nước, đứng thứ 4 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Năng lực cạnh tranh của tỉnh (chỉ số PCI) chưa có bước cải thiện đột phá, một số chỉ số thành phần có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các tỉnh trong Vùng và cả nước. Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu và xu hướng phát triển trong thực tiễn; phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư còn những hạn chế, một số việc qua nhiều cấp, nhiều ngành, thời gian còn kéo dài; trình tự, thủ tục dự án còn kéo dài do công tác quy hoạch chưa tốt; chất lượng một số dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa cao; chưa tạo được đột phá về thu hút đầu tư; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngoài những nguyên nhân khách quan xuất phát từ môi trường thể chế, hệ thống chính sách pháp luật chung thì nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Còn có cấp ủy, chính quyền, Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thực sự coi nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, xuyên suốt trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; chưa đổi mới về tư duy, còn thiếu chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu một số còn hạn chế, chưa đề xuất được các giải pháp có tính đột phá. có sức lan tỏa; chưa thu hút được nhân tài; công tác đánh giá cán bộ còn hạn chế. Công tác tổ chức thực hiện, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm vẫn là khâu yếu. Còn thiếu cơ chế để doanh nghiệp giám sát quy trình giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 02); Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19 tháng 8 năm 2021 của Tỉnh ủy về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 08), UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 và những năm tiếp theo với những nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích
Cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu trong Nghị quyết 02, Nghị quyết 08 thành những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tập trung tổ chức thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
2. Yêu cầu
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; yêu cầu phát huy cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phải đảm bảo tính trọng tâm, có tính đột phá, hướng tới giải quyết các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay. Xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương, đơn vị.
1. Mục tiêu chung
Nâng cao thứ hạng của tỉnh trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phục hồi phát triển doanh nghiệp. Nâng cao điểm số, thứ hạng các chỉ số thành phần chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn như chỉ số: tính minh bạch; đào tạo lao động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và các chỉ số ít được cải thiện, suy giảm nhằm tạo bước đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
Năm 2022, phấn đấu tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 10% trở lên so với năm 2021.
Phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là một trong số 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); có thứ hạng đứng trong tốp 5 trong các tỉnh Vùng Đồng bằng Sông Hồng. Giai đoạn 2021 - 2025, số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm tăng bình quân 15%/năm; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GRDP đạt bình quân 35,4%.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Tập trung thực hiện tốt chiến lược bảo phủ vac-xin tăng cường cho người dân trong tỉnh; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể của tỉnh về phục hồi, phát triển kinh tế. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động theo các nghị quyết của chính phủ năm 2021; triển khai hiệu quả gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022.
Phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư của một dự án so với thời gian thực hiện hiện nay; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép kinh doanh có điều kiện,... Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với tăng cường trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện tốt việc giám sát kiểm tra thực hiện phân cấp, ủy quyền.
Ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư; xây dựng quy trình, thủ tục dự án minh bạch, đảm bảo nguyên tắc 5 rõ (rõ về thủ tục; rõ về quy trình; rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan; rõ thời gian; rõ kết quả và chất lượng trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính). Xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương làm tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với từng ngành, địa phương.
3. Đảm bảo tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng các doanh nghiệp.
Trong Quý I 2022, hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch vùng huyện, Quy hoạch chung xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của tỉnh. Thực hiện lộ trình xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch và công khai các quy hoạch trên môi trường mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt việc công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất để các DN tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.