Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 929/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/07/2012
Ngày có hiệu lực 17/07/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 929/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, TRỌNG TÂM LÀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2011; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2012;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước nhằm đạt các mục tiêu sau đây:

- Doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.

II. NHIỆM VỤ

1. Phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo các nhóm sau:

a) Nhóm 1: Doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh; xuất bản; thuỷ nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; in, đúc tiền.

b) Nhóm 2: Doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Trong đó xác định rõ:

- Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.

- Nhà nước nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học; bán buôn lương thực; bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; hóa dược; tài chính, tín dụng; bảo hiểm; cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường, chiếu sáng ở đô thị lớn; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; sản xuất vắcxin phòng bệnh; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, khai thác cảng biển; sản xuất điện quy mô lớn; vận tải đường sắt, hàng không.

Ngoài các doanh nghiệp nêu trên, các doanh nghiệp khác khi cổ phần hóa, căn cứ tình hình cụ thể và khả năng thị trường, Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần.

c) Nhóm 3: Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.

2. Thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.

3. Tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy...

4. Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

5. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách

a) Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh phải hạch toán và thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách xã hội được giao.

Đổi mới quản trị doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Có cơ chế quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị... của doanh nghiệp.

[...]