Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 339/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/02/2013
Ngày có hiệu lực 19/02/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 339/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG THEO HƯỚNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2012;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU KINH TẾ

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy khuyến khích hợp lý, ổn định và dài hạn, nhất là ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích đầu tư khác, thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

b) Hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực.

c) Từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

3. Quan điểm tái cơ cấu kinh tế

a) Tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu của thị trường. Nâng cao năng lực và hiệu lực quản trị quốc gia, phát huy vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, đòn bẩy kinh tế, giảm thiểu sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính.

b) Kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên mục tiêu trung và dài hạn, chất lượng tăng trưởng; gắn tăng trưởng kinh tế với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tiêu biểu, bảo vệ và thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.

c) Thúc đẩy phát huy lợi thế cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế và của các địa phương; coi trọng và phát huy các lợi thế về nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế dịch vụ, du lịch; hướng đến xây dựng cơ cấu kinh tế với các ngành kinh tế chủ lực làm trọng tâm và phát triển đa dạng các loại hình và ngành, nghề kinh doanh, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong nước và ngoài nước theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững.

d) Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các ngành, các cấp, nhất là các cấp địa phương, cơ sở theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo, tập trung, thống nhất, của Trung ương và phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp địa phương, cơ sở.

đ) Tiếp tục mở cửa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài để huy động tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

4. Định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu

a) Duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định

- Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước trong từng thời kỳ.

- Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước theo kế hoạch ngân sách nhà nước trung hạn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đất nước; giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, duy trì tỷ lệ nợ công ở mức hợp lý, bảo đảm lành mạnh hóa tài chính quốc gia.

[...]