Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2979/KH-UBND năm 2017 về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ bổ sung của Chương trình hành động 3766/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 2979/KH-UBND
Ngày ban hành 28/04/2017
Ngày có hiệu lực 28/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Văn Thành
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2979/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 28 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ BỔ SUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 3766/CTR-UBND NGÀY 29/6/2016 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 35/NQ-CP NGÀY 16/5/2016 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

Triển khai thực hiện Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 7/02/2016 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ bổ sung của Chương trình hành động số 3766/CTr-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cụ thể như sau:

I. Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP

1. Một số kết quả đạt được:

Năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 3766/KH-UBND ngày 29/6/2016 với những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao cho các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Bước đầu các sở, ban, ngành, địa phương đã vào cuộc triển khai thực hiện tốt một số nội dung: Đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp, giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp; rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 xuống còn 2 ngày; triển khai thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, ban hành quy định về cấp giấy phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư xây dựng không quá 49 ngày làm việc; thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở tối đa không quá 15 ngày; kiểm tra nghiệm thu cấp giấy chứng nhận an toàn công trình trước khi đưa công trình vào sử dụng tối đa không quá 8 ngày; mở chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Tỉnh; mở hộp thư và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận những ý kiến, câu hỏi của nhà đầu tư, doanh nghiệp; hỗ trợ quảng bá cho các doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đa dạng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm),....

2. Một số tồn tại hạn chế

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp còn đặt ra nhiều vấn đề cần được tập trung giải quyết: Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ tiếp cận và mở rộng thị trường; Hỗ trợ đào tạo lao động; Hỗ trợ đào tạo lãnh đạo quản lý; Minh bạch các thông tin về chính sách, quy hoạch, đất đai,... tuy nhiên năm 2016 toàn tỉnh vẫn tiếp nhận được trên 400 kiến nghị của doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào giải quyết khó khăn về vốn, về các chính sách của tỉnh, của trung ương, tìm kiếm thị trường, đối tác. Cùng với đó số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giảm so với năm trước, tuy nhiên, vẫn còn ở mức cao (tạm ngừng là 636 doanh nghiệp và số doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận là 238 doanh nghiệp) do vậy môi trường kinh doanh cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

Công tác phát triển doanh nghiệp bước đầu có những chuyển biến rõ rệt, nhưng vẫn còn ở mức hạn chế: năm 2016, số lượng doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới là 1.667 tăng 13%, tổng số vốn đăng ký 11.763 tỷ đồng, tăng 21%; số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc giải thể giảm sâu tới 15%, doanh nghiệp bị thu hồi giảm 39% cùng với số doanh nghiệp gặp khó khăn quay lại hoạt động tăng 13% cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải, tuy nhiên số doanh nghiệp đăng ký mới tỷ lệ tăng còn thấp, số doanh nghiệp tạm kinh doanh còn cao cho thấy công tác phát triển doanh nghiệp bước đầu thu được kết quả nhưng chưa đảm bảo theo mục tiêu đề ra.

Mặc dù các cấp ngành trong Tỉnh rất quyết liệt trong công tác triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP song do trên địa bàn tỉnh có tới 98,6% doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý thấp, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, thị trường không ổn định, gặp nhiều khó khăn trong phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh gặp nhiều vướng mắc do các Luật, văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa được ban hành đồng bộ. Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm tại các sở, ban, ngành, địa phương còn chậm so với yêu cầu đặt ra, một số nội dung triển khai còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa rõ nét.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới

Để phát huy kết quả đạt được năm 2016 và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 3766/KH-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, phấn đấu đạt mục tiêu tối thiểu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hiện nay. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 7 nội dung yêu cầu, 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu và từng nhiệm vụ trọng tâm cụ thể đã được phân công tại Chương trình hành động số 3766/KH-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các chỉ tiêu, nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung tại Phụ lục I, Phụ lục II kèm theo Kế hoạch này đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thời gian quy định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ và chất lượng công việc được giao.

2. Tăng cường các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, xây dựng cơ chế chính sách, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy chính sách khuyến khích đầu tư phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn nhanh chóng đi vào thực tiễn;

3. Tích cực, chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Rà soát, nắm bắt và hoàn thiện hệ thống dữ liệu về các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, rà soát những doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đề xuất giải pháp cụ thể nâng cao chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp; công bố công khai và kịp thời các cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh, địa phương và của ngành, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp thực tiễn để tham mưu bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

4. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở, tiếp tục triển khai và vận hành hiệu quả đường dây nóng, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ngành, địa phương và có công tác đánh giá, kiểm đếm hiệu quả của các công cụ này; phát huy hiệu quả cơ chế công khai, minh bạch và giám sát các hoạt động đối thoại doanh nghiệp nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp; tiếp tục đa dạng các kênh tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, đảm bảo thông tin nắm bắt được nhanh nhất, kịp thời và chính xác. Ưu tiên phát triển các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thúc đẩy tạo điều kiện để khu vực tư nhân cung cấp các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; triển khai và áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

5. Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức hội, thu hút đông đảo thành viên tham gia, thực sự trở thành cầu nối giữa các hội viên với các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các thành viên báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời; nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình “Cafe doanh nhân”. Tư vấn hội viên, doanh nghiệp về khởi nghiệp như xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai ý tưởng kinh doanh, xây dựng được kế hoạch phát triển ý tưởng khởi nghiệp thành mô hình kinh doanh, hỗ trợ thông tin về thị trường, thiết lập mô hình tài chính, xây dựng chuỗi cung ứng và kênh phân phối, phát triển thị trường.

III. Tổ chức thực hiện

1. Phân công và giao chỉ tiêu cụ thể cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn địa phương quản lý, đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2020 trên địa toàn tỉnh có 25.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập (chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này). Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chỉ tiêu được giao, căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương giao chỉ tiêu cụ thể về vận động cá nhân, hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp vào chỉ tiêu thi đua của Ủy ban nhân dân cấp phường, xã trực thuộc, chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường, xã trong việc tổ chức Hội đồng tư vấn xác định doanh thu khoán thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, sát với tình hình thực tế hoạt động kinh doanh.

2. Các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Chương trình hành động số 3766/KH-UBND ngày 29/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung tại Phụ lục 2 (kèm theo Kế hoạch này) để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thời gian quy định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ và chất lượng công việc được giao.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ nhiệm vụ được phân công để xây dựng các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện của từng ngành, địa phương mình; định kỳ vào ngày 20 hàng tháng báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời đề xuất bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Phòng TM&CN Việt Nam;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan (thực hiện);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (thực hiện);
- HHDN tỉnh, LM HTX, các HHDN liên quan (thực hiện);
- Báo QN, Đài PTTH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh (đưa tin);
- Chánh, Phó Chánh VPUBND tỉnh;
- Các Chuyên viên NCTH VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT/TM1.
KH06, 50 bản

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thành

 

PHỤ LỤC 1

CHỈ TIÊU GIAO CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ VỀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 2979/KH-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Địa phương

Lũy kế đến 2016

Chỉ tiêu năm phát triển doanh nghiệp năm 2017-2020

2017

2018

2019

2020

Toàn tỉnh

12.930

15.430

18.250

21.500

25.300

1

Thành phố Hạ Long

5.867

6.940

8.140

9.500

11.100

2

Thành phố Cẩm Phả

1.968

2.370

2.800

3.280

3.840

3

Thành phố Móng Cái

1.612

1.868

2.150

2.480

2.860

4

Thị xã Đông Triều

1.085

1.270

1.500

1.750

2.040

5

Thành phố Uông Bí

855

1.020

1.200

1.450

1.720

6

Thị xã Quảng Yên

420

519

630

760

920

7

Huyện Hoành Bồ

315

370

450

530

630

8

Huyện Vân Đồn

302

370

450

540

650

9

Huyện Hải Hà

178

250

330

420

530

10

Huyện Tiên Yên

131

180

230

300

370

11

Huyện Đầm Hà

85

108

132

166

210

12

Huyện Bình Liêu

56

75

100

130

170

13

Huyện Ba Chẽ

32

45

68

95

130

14

Huyện Cô Tô

24

45

70

100

130

 

[...]