Thông báo 65/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Số hiệu | 65/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 07/02/2017 |
Ngày có hiệu lực | 07/02/2017 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Tiến Dũng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2017 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH
Ngày 22 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh, việc phát triển khu kinh tế Vân Đồn và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. Cùng dự buổi làm việc có Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty than Đông Bắc. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, phát triển toàn diện về mọi mặt và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đạt được trong những năm qua; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đi đầu đổi mới, sáng tạo trong một số lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng sản phẩm địa phương tăng 9,3%/năm, cao hơn bình quân của cả nước; đến năm 2015 tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chiếm 6% trong cơ cấu kinh tế; xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, huy động trên 190 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu về hợp tác công - tư. Năm 2016, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục đạt những kết quả nổi bật: Tổng sản phẩm địa phương tăng 10,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.050 USD; doanh thu du lịch tăng 19%; thu nội địa cao nhất từ trước tới nay và tăng 19%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 54.400 tỷ đồng, tăng 10,2%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 30%; có 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Có 37 xã và 2 huyện (Đông Triều và Cô Tô) đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn tăng từ 11 triệu đồng năm 2010 lên 33 triệu đồng năm 2016.
Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Tỉnh đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Mức trợ cấp đối tượng xã hội tăng 10%. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm xuống còn 1,02%. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh gắn với tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức cán bộ và bộ máy hành chính. Mô hình, cách làm của Quảng Ninh được đánh giá cao và nhiều địa phương trên cả nước đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tỉnh trong 3 năm liên tục (2013 - 2015) xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Quảng Ninh là điểm sáng, nằm trong nhóm 6 tỉnh, thành phố giải quyết thủ tục hành chính tốt nhất (tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn đạt trên 99%); một trong 6 địa phương thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công, đáp ứng được yêu cầu công khai minh bạch, thời gian được rút ngắn, nâng cao chất lượng hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, trong đó tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho tinh gọn; tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu công việc; kiêm nhiệm, nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo ở cấp huyện và cấp xã.
Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế cao, nhưng còn dưới mức tiềm năng. Giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít, nhất là một số ngành có lợi thế lớn như du lịch, thương mại, kinh tế biển. Doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về quy mô và khả năng cạnh tranh. Quản lý nhà nước về du lịch, đất đai, đô thị, tài nguyên, môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, an toàn thực phẩm... còn nhiều bất cập; Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, nhất là cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch chất lượng cao. Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than. Ô nhiễm môi trường, nhất là do khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành sản xuất khác chưa được khắc phục hiệu quả; hệ thống xử lý rác, nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản đồng ý định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo của Tỉnh; lưu ý một số trọng tâm công tác sau:
1. Quán triệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, chuẩn bị ngay các điều kiện để triển khai thực hiện kế hoạch năm 2017. Cùng với các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh phải là trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo đột phá; giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.
2. Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Ninh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu để các cấp chính quyền Quảng Ninh thực sự là chính quyền đối thoại và luôn nằm trong số 5 địa phương dẫn đầu cả nước về môi trường đầu tư.
Thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Phấn đấu đạt tối thiểu 25 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hiện nay.
3. Đẩy mạnh liên kết phát triển, phấn đấu Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng. Tiếp tục các giải pháp đồng bộ về phát triển các lĩnh vực, các ngành kinh tế, chú ý bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tập trung hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, có tính động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tận dụng tối đa lợi thế về kinh tế cửa khẩu, biên giới, giao thương với Trung Quốc cả chính ngạch và tiểu ngạch; khai thác tốt các cơ chế hợp tác hiện có cả cấp tỉnh, huyện, xã và đồn biên phòng; chủ động phối hợp và có cơ chế khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mở rộng giao thương với các địa phương nước bạn.
4. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác, hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín.
5. Huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh, xây dựng hệ sinh thái du lịch phong phú; rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh, tăng cường quảng bá, chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự liên kết trong Vùng và các Trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tăng cường quản lý tour, tuyến du lịch, giá cả, dịch vụ...; bảo đảm an toàn cho du khách. Chú trọng việc bảo tồn các danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch có chiều sâu và giá trị cao hơn. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút được 15-16 triệu lượt khách du lịch (trong đó 7 triệu lượt khách quốc tế).
6. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu dân cư tập trung ở nông thôn; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở. Đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.... một cách tuyệt đối để giữ gìn di sản văn hóa thế giới này.
7. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Tăng cường an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng tội phạm, cờ bạc, nhất là trong những dịp cuối năm, lễ, Tết. Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm xuyên biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; xây dựng Luật Khu hành chính - kinh tế đặc biệt: Đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan khẩn trương xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 5 năm 2017.
2. Về việc người Việt Nam vào chơi casino tại Vân Đồn: Thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị. Chính phủ sẽ quy định việc thực hiện thí điểm cho phép người Việt Nam vào chơi casino tại Khu dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn theo đúng kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 16-TB/TW ngày 15 tháng 9 năm 2016.
3. Về việc triển khai đầu tư Dự án Khu dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp có casino tại Khu kinh tế Vân Đồn và việc lựa chọn chủ đầu tư Dự án: Trên tinh thần thảo luận tại hội nghị để chọn nhà đầu tư chiến lược, căn cứ vào kiến nghị của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư và thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc giao đất trực tiếp cho Nhà đầu tư BOT Cảng hàng không Vân Đồn: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
5. Về việc điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Vân Đồn thành cảng hàng không quốc tế: Đồng ý về chủ trương, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn tất các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành đưa cảng hàng không Vân Đồn vào khai thác, sử dụng.
6. Về việc tập trung đầu tư Khu kinh tế Vân Đồn: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, đề xuất việc bố trí vốn hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai Tuyến đường trục chính từ Cảng hàng không vào Khu dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp có casino: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện.
7. Về việc thành lập khu kinh tế tại thị xã Quảng Yên (bao gồm Khu công nghiệp - dịch vụ Đầm Nhà Mạc và Khu đô thị công nghiệp công nghệ cao Sông Khoai): Đồng ý về chủ trương giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Tỉnh xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế, trong đó nghiên cứu việc áp dụng các cơ chế, chính sách của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về việc thành lập Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc): Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể chung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.