Kế hoạch 2673/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 2673/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2024
Ngày có hiệu lực 05/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2673/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 05 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 44/TTr-SNN ngày 29/3/2024; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về giết mổ gia súc, gia cầm:

- Phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, bán công nghiệp và công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa.

- Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung bán công nghiệp đạt khoảng 35%, công nghiệp đạt khoảng 5% vào năm 2025; khoảng 40% và 15% vào năm 2030.

b) Về chế biến thịt, trứng và sữa:

- Phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô công nghiệp.

- Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt đạt khoảng 5% năm 2025 và khoảng 7% vào năm 2030.

- Tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình đạt 2,5 - 3%/năm giai đoạn 2026 - 2030 (hiện nay khoảng 1,5- 2%/năm).

- Các cơ sở chế biến sữa quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến đến năm 2025 và các năm tiếp theo đạt từ 80-85% (hiện nay đạt khoảng 68-70%).

II. Nội dung thực hiện

1. Nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến:

a) Rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ; các cơ sở giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các huyện;

b) Hỗ trợ phát triển và kết nối bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, công nghệ tiên tiến gắn với chế biến, thương mại sản phẩm. Phát triển chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối thu mua sản phẩm (trứng, sữa, gà, vịt, heo, thủy sản...) nhằm tạo ra chuỗi kết nối cung - cầu thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng;

c) Thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục, trình tự lập hồ sơ dự án và thẩm định dự án đầu tư theo quy định; hướng dẫn, giới thiệu nhà đầu tư lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường;

d) Xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ tỉnh đến huyện; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc;

đ) Ban hành chế tài bắt buộc các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm phải di dời vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát; chấm dứt việc giết mổ trong khu dân cư tại các địa phương.

2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi:

a) Thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến;

b) Kết nối chặt chẽ hệ thống cơ sở hạ tầng chế biến giữa người sản xuất, thu gom, chế biến với nhà phân phối sản phẩm chăn nuôi;

c) Thực hiện hoạt động thu hút đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở giết mổ tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và các huyện; đảm bảo vệ sinh toàn toàn thực phẩm trong kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau giết mổ.

3. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến:

a) Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết từ các khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với các chính sách của Trung ương, của địa phương.

[...]