Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 167/KH-UBND
Ngày ban hành 08/08/2024
Ngày có hiệu lực 08/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 08 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIẾT MỔ, CHẾ BIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thực hiện Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Phát huy tiềm năng, lợi thế và nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi.

b) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và tiến tới xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về giết mổ gia súc, gia cầm

- Đẩy mạnh phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung từng bước nâng cấp cơ sở lên quy mô bán công nghiệp và công nghiệp, đầu tư các trang thiết bị đồng bộ, công nghệ hiện đại tiên tiến gắn với vùng sản xuất chăn nuôi tập trung.

- Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung áp dụng theo phương thức giết mổ bán công nghiệp là 60%, công nghiệp là 20% và đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 80% giết mổ bán công nghiệp và 40% giết mổ công nghiệp.

b) Về chế biến sản phẩm chăn nuôi

- Phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ và quản lý ngang tầm khu vực và thế giới.

- Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 15% đến 25% năm 2025 và từ 30% đến 40% vào năm 2030.

- Về trình độ công nghệ từng bước nâng cao đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

c) Về phát triển thị trường: tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác sản xuất, góp phần đảm bảo mục tiêu về giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong nước vào năm 2030.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến

a) Rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định.

b) Hướng dẫn cải tạo, nâng cấp và xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, đồng thời đảm bảo có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

c) Thực hiện Quy hoạch, chiến lược phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo Quy hoạch chung của thành phố Cần Thơ, trong đó phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chuyển nhanh phương thức chăn nuôi truyền thống hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giới thiệu, kết nối nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung gắn với chế biến và xúc tiến thương mại sản phẩm chăn nuôi.

d) Tiếp tục rà soát, đề xuất, phối hợp hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ (về thuế, vay vốn, trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết...) để kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp gắn với nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi.

đ) Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

e) Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu, vận hành hiệu quả phần mềm về cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý đàn gia súc, giết mổ và chế biến; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.

2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi

a) Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến đầu tư xây dựng, liên kết sản xuất của Trung ương và thành phố nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

b) Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị chế biến hiện đại, đồng bộ, công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

c) Kết nối chặt chẽ hệ thống cơ sở hạ tầng chế biến giữa người sản xuất, thu gom, chế biến với nhà phân phối sản phẩm chăn nuôi.

[...]