Kế hoạch 267/KH-UBND năm 2022 về xây dựng Đề án phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 267/KH-UBND
Ngày ban hành 03/08/2022
Ngày có hiệu lực 03/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 267/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 03 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Thông báo số 642-TB/VPTU ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Văn phòng Tỉnh ủy về ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về dự thảo Kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 và chủ trương xây dựng Đề án phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch xây dựng Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng giáo dục Tỉnh theo các chỉ tiêu Trung ương có quy định; so sánh với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; vị trí của giáo dục tỉnh Đồng Tháp, làm cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển giáo dục Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

b) Việc tổ chức xây dựng Đề án bảo đảm tính khách quan, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian.

2. Yêu cầu

a) Bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát huy các kết quả phát triển giáo dục tỉnh Đồng Tháp đạt được giai đoạn 2015 - 2020, gắn với quan điểm, mục tiêu phát triển giáo dục tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

b) Các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án phải được xác định theo từng mốc thời gian cụ thể (đến năm 2025; đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045), bám sát quy định Trung ương, đồng thời, có các mục tiêu, chỉ tiêu “đột phá”, mang tính đặc trưng, nâng cao vị thế của giáo dục tỉnh Đồng Tháp so với khu vực và cả nước.

c) Các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án mang tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định.

II. NỘI DUNG

1. Cơ quan chủ trì thực hiện và đơn vị tư vấn

a) Cơ quan chủ trì Đề án: Ủy ban nhân dân Tỉnh.

b) Cơ quan thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo.

c) Đơn vị tư vấn: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Địa chỉ: Số 101, đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).

2. Lộ trình xây dựng Đề án

a) Thời gian dự kiến hoàn thành: Trong tháng 10 năm 2022.

b) Nội dung: Chi tiết Phụ lục kèm theo.

3. Nguồn kinh phí thực hiện, định mức chi

a) Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp Giáo dục năm 2022.

b) Định mức chi: Chi theo mức quy định của Trung ương và Tỉnh về nội dung liên quan công tác xây dựng các Đề án, Kế hoạch.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Ban Biên soạn Đề án, trong đó, đề xuất cụ thể tên thành viên tham gia; Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực Ban Biên soạn Đề án, trực tiếp tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh về các công việc, tiến độ thực hiện Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về các nội dung phối hợp thực hiện Đề án; mời chuyên gia làm cố vấn chuyên môn, phản biện…

c) Phối hợp với Sở Tài chính dự trù kinh phí, thực hiện chi và thanh quyết toán kinh phí xây dựng Đề án theo đúng quy định.

2. Sở, ban, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện: Phối hợp, cung cấp thông tin và tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Đề án.

[...]