Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 238/KH-UBND
Ngày ban hành 07/09/2021
Ngày có hiệu lực 07/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/KH-UBND

Hà Giang, ngày 07 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06-NQ/TU NGÀY 10/5/2021 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Ngày 10 tháng 5 năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mc đích

- Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

- Kế hoạch là căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, vận dụng sáng tạo Nghị quyết và đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn giáo dục và đào tạo của từng địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động sát thực với các giải pháp cụ thể có tính khả thi, phù hợp; xây dựng cơ chế chính sách nguồn lực đầu tư, tạo bước đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết về phát triển giáo dục và đào tạo.

- Đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan đối với việc triển khai thực hiện Kế hoạch, đảm bảo hoàn thành các công việc, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Kịp thời đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

II. NỘI DUNG

- Tiếp tục thực hiện các Đề án, Kế hoạch, chương trình đã được UBND tỉnh ban hành thực hiện trong giai đoạn.

- Ban hành các Đề án, Kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong giai đoạn.

(Các chương trình, đề án, kế hoạch được thống kê trong Danh mục kèm theo).

- Trong giai đoạn tổ chức thực hiện, căn cứ yêu cầu, tình hình thực tế có thể tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mới, xây dựng Chương trình, Đề án, Kế hoạch ngoài nội dung danh mục trong Kế hoạch này để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đào tạo.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác phổ biến, tuyên truyền, học tập Nghị quyết

Các cấp, các ngành, các địa phương, trước hết là ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan báo chí:

- Hằng năm, tổ chức bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong nhà giáo. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục và các Đề án, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, các cuộc tọa đàm, lồng ghép giáo dục vào trong các môn học phù hợp.

- Tập trung thay đổi hình thức, phương pháp, cụ thể hóa các nội dung phổ biến tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên. Tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp: trực tiếp, trực tuyến, gián tiếp; thông qua phát hành các tin bài, phóng sự, chuyên mục, hội nghị, họp cơ quan, tổ, nhóm, tọa đàm, hoạt động ngoại khóa, giao lưu, lồng ghép trong quá trình giảng dạy các môn học. Nội dung phổ biến, tuyên truyền phải cụ thể, chi tiết hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết để dễ nhớ, dễ thực hiện.

- Phối hợp thường xuyên giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, học viên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, học viên.

2. Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục

- Tiếp tục rà soát nhu cầu, điều kiện cần thiết để xây dựng Đề án thành lập trường PTDT Nội trú tại các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Vị Xuyên, Quang Bình. Đối với các trường Nội trú THCS&THPT mới được thành lập, tiếp tục rà soát, đảm bảo bố trí các nguồn lực cần thiết để thực hiện tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục trong năm học 2021-2022.

- Tiếp tục phối hợp với Đại học Thái Nguyên thực hiện đảm bảo các điều kiện cần thiết, trình Bộ GD&ĐT thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang. Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đến học sinh sau tốt nghiệp THPT về kế hoạch, chương trình đào tạo của nhà trường để đảm bảo nguồn tuyển sinh và cân đối việc làm sau đào tạo....

- Xây dựng Đề án Thí điểm sắp xếp lại các Trung tâm GDNN-GDTX và các Trung tâm học tập cộng đồng để hoạt động hiệu quả góp phần tích cực phân luồng học sinh sau THCS; từng bước rà soát, nghiên cứu phát triển các nhóm, lớp mầm non đến thôn bản.

Tiếp tục thực hiện Đề án chuyển học sinh tiểu học về học tại trường chính giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 1425/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện sáp nhập những trường phổ thông có quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu về công tác giáo dục đào tạo tại địa phương thành các trường liên cấp trên nguyên tắc tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

- Từng bước nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nhóm, lớp mầm non tư thục và thu hút, huy động nguồn lực để thành lập một trường phổ thông tư thục tại địa phương có điều kiện: UBND các huyện thực hiện tốt công tác quy hoạch để có quỹ đất thu hút các dịch vụ phát triển giáo dục; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Thực hiện việc bố trí quỹ đất dành cho giáo dục. Có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tài chính, tổ chức bồi dưỡng quản lý, chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập từ nguồn ngân sách địa phương, phù hợp với khả năng huy động của ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng các yêu cầu về công khai mức học phí, công khai tài chính và cam kết chất lượng.

[...]