Kế hoạch 155/KH-UBND năm 2022 về phát triển giáo dục và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch ngân sách 3 năm 2023-2025 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 155/KH-UBND
Ngày ban hành 06/07/2022
Ngày có hiệu lực 06/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 155/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 3 NĂM 2023 - 2025

Thực hiện Công văn số 2155/BGDĐT-KHTC ngày 24/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc xây dựng Kế hoạch phát triển giáo dục và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch ngân sách 3 năm 2023 - 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2021 VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2022

1. Đánh giá chung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh, đồng thuận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 về “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, song lĩnh vực kinh tế vẫn ghi nhận nhiều kết quả tích cực, năm 2021 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,67% , tăng hơn 2 lần so với năm 2020, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 5,86%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,31%, dịch vụ tăng 5,66%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%. Cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp chiếm 22,14%, công nghiệp - xây dựng 23,21%, dịch vụ 49,95%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung cho các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương; khoa học và công nghệ được ứng dụng, từng bước mang lại hiệu quả; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm, đã tạo nên thương hiệu và giá trị cho một số sản phẩm của địa phương. Đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cho 31 sản phẩm OCOP[1]. Tuy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ một số loại nông sản khi vào chính vụ nhưng do có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và sự chung tay cố gắng của người dân, sản xuất nông lâm nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao[2]. Chương trình xây dựng nông thôn mới thường xuyên được quan tâm tổ chức thực hiện toàn diện[3].

Tiếp tục có các giải pháp để phát triển kinh tế cửa khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn năm 2021 đạt 4,38 tỷ USD, bằng 142,2% kế hoạch, tăng 55,8% so với năm 2020.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 5,61% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt 24.102 tỷ đồng, tăng 10,51% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đạt 33.755 tỷ đồng, tăng 2.541 tỷ đồng, tăng 8,14% so với 31/12/2020. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt 37.479 tỷ đồng, tăng 11,5% so với 31/12/2020. Du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, tổng lượng khách du lịch ước khoảng 1.622 nghìn lượt, đạt 49,5% kế hoạch, tăng 1,2% so với cùng kỳ; tổng doanh thu 773 tỷ đồng, đạt 40,7% kế hoạch, tăng 20,9%.

Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Thu ngân sách năm 2021 đạt được những kết quả nổi bật, nhất là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, hết ngày 31/12/2021 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 10.902 tỷ đồng (đạt 186,8% dự toán, tăng 51,5% so cùng kỳ). Các khoản chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, đúng định mức và tiết kiệm triệt để.

Công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, nhận được sự hài lòng của Nhân dân. Mạng lưới y tế xã được củng cố góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở. Không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Năm 2021, có 172 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 86%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,9%; cập nhật thông tin quản lý sức khỏe trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 99% dân số.

Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong năm giải quyết việc làm mới cho khoảng 14.100 lao động, đạt 100,7% kế hoạch; tổ chức dạy nghề cho 11.370 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,2%, tăng 1,2% so với năm 2020. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền trên 32,3 tỷ đồng, hỗ trợ hiện vật trị giá trên 7,7 tỷ đồng và các vật tư y tế. Đã xây mới, sửa chữa được 377/618 nhà ở cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở (xây mới 124/208 hộ, sửa chữa 253/410 hộ), đạt 61% kế hoạch. Dự ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm 2% so với cùng kỳ (tương đương giảm khoảng 4.100 hộ). Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ước 1.670,2 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch, tổng số chi 2.446,4 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch. Đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí hỗ trợ 68.108 triệu đồng. Tiếp tục quan tâm bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, những người yếu thế trong xã hội. Tập trung tuyên truyền, xử lý các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

GDĐT tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên, nề nếp, kỷ cương trong trường học tiếp tục được duy trì. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021 tại các cấp phổ thông; các cơ sở GDĐT thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời trưng dụng cơ sở vật chất để phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch bệnh. Hoàn thành công tác thi tốt nghiệp THPT bảo đảm đúng quy chế, an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022; hoàn thành xây dựng tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6. Triển khai Chương trình Sữa học đường năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lại 03 Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS thành trường liên cấp phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT các huyện Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng. Công nhận 20 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 258 trường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, đa dạng hóa các loại hình giáo dục ngoài công lập.

Ngân sách chi thường xuyên giáo dục giao trong thời kỳ ổn định chiếm 39,59% chi thường xuyên toàn tỉnh.

Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nhất định đến ngành giáo dục trên địa bàn. Việc giãn tiến độ chương trình khung dạy và học theo quy định chung của Bộ GDĐT, việc thực hiện các đề án, dự án, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các lớp liên kết đào tạo cũng bị tác động; quá trình dạy và học phát sinh thêm nhiều chi phí trong công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh...

* Thuận lợi: Cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục; sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ GDĐT và các bộ ngành trung ương. Trình độ dân trí từng bước nâng lên, nhu cầu cho con em đi học và tạo điều kiện cho con em đi học ngày càng nâng cao. Đội ngũ cán bộ giáo viên (GV) cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng, có lương tâm trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp tốt.

* Khó khăn: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; địa hình và phân bố dân cư không tập trung, khó khăn trong việc huy động nguồn lực và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) mạng lưới giáo dục. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao dẫn đến khó khăn trong huy động học sinh (HS) đi học và huy động xã hội hóa. Công tác tăng cường CSVC còn gặp khó khăn, số phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng thư viện còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng kịp thời. Ngân sách đầu tư cho GDĐT còn hạn hẹp, chủ yếu để chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương, kinh phí đầu tư cho hoạt động dạy và học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học chưa đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch, nhất là các lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Trên địa bàn tỉnh một số dịch vụ không thiết yếu tạm dừng hoạt động, HSSV kết thúc năm học sớm hơn kế hoạch; tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; công tác tuyển sinh giáo dục dạy nghề gặp nhiều khó khăn; số người lao động mất việc làm, thất nghiệp có xu hướng gia tăng...; một số huyện, xã, thị trấn phát sinh các ca nhiễm COVID-19 phải thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ nông sản khi đến mùa vụ. Việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (các chỉ tiêu về y tế, giảm nghèo) năm 2021.

2. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển GDĐT năm 2021, ước thực hiện kế hoạch năm 2022

2.1. Đánh giá tóm tắt tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu

- Đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu trong năm học 2021 - 2022

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch 2021 - 2022

Thực hiện 2021 - 2022

Kết quả

1

Tổng số học sinh

 

 

 

 

-

Nhà trẻ

Trẻ

11.182

11.234

đạt

-

Mẫu giáo

HS

42.685

42.530

Chưa đạt

-

Tiểu học

HS

75.398

75.406

đạt

-

Trung học cơ sở (THCS)

HS

48.442

48.431

Chưa đạt

-

Trung học phổ thông (THPT)

HS

22.279

22.353

đạt

2

Tỷ lệ huy động

 

 

 

 

-

Trẻ dưới 3 tuổi

%

44,15

44,87

đạt

-

Mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi

%

97,36

98,07

đạt

-

Tiểu học (đúng độ tuổi)

%

99,69

99,73

đạt

-

THCS (đúng độ tuổi)

%

87,9

92,6

đạt

3

Phổ cập giáo dục

 

 

 

 

-

Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi

200

200

đạt

+

Tỷ lệ xã, phường thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi

%

100

100

đạt

-

Duy trì phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS

200

200

đạt

+

Tỷ lệ xã, phường thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS

%

100

100

đạt

4

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

52,5

52,5

đạt

5

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (theo năm kế hoạch)

Trường

267

267

đạt

Nguyên nhân một số chỉ tiêu chưa đạt: đối với giáo dục mầm non, do một số huyện còn thiếu lớp học nên chưa huy động được trẻ tới lớp; đối với GDPT do HS bỏ học, một số học sinh THCS, THPT theo học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề; ngoài ra, việc dự báo số HS tuyển mới vào đầu cấp, số HS chuyển đi, chuyển đến chưa sát thực tế.

2.2. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2020 - 2021 (theo Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GDĐT)

2.2.1. Đối với 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

a) Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương

- UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh[4]. Chỉ đạo ngành GDĐT hướng dẫn các đơn vị chủ động xây dựng kịch bản ứng phó diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ngay từ đầu năm học.

- Ngành GDĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện dạy và học trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19[5].

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ