Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 266/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 266/KH-UBND
Ngày ban hành 15/05/2017
Ngày có hiệu lực 15/05/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/KH-UBND

An Giang, ngày 15 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG, GẮN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TRONG NƯỚC VỚI MẠNG LƯỚI HẠ TẦNG TRONG CÁC LIÊN KẾT KHU VỰC

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực".

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực". Cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

Góp phần hình thành khung kết nối hạ tầng theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ với các tỉnh trong khu vực, đưa tỉnh An Giang trở thành cửa ngõ quan trọng của trục hành lang Đông Tây kết nối giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, giữa Việt Nam nói chung với các quốc gia trong khu vực ASEAN.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ NĂM 2030:

1. Hạ tầng giao thông:

a. Đường bộ:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tranh thủ các nguồn lực ưu tiên đầu tư các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng. Cụ thể như sau:

- Cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc: Đoạn qua địa bàn tỉnh từ ranh Tp.Cần Thơ đến giao QL.91 tại Tp.Châu Đốc dài 60 km, quy mô 4 làn xe.

- Tuyến QL.80B sẽ là trục giao thông chính kết nối các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đến cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, kết nối vào đường tỉnh 101 và QL.1 của Campuchia.

- Tuyến nối Quốc lộ 91 (QL 91) và tuyến tránh thành phố Long Xuyên: Xây dựng 13,5Km đoạn tuyến tránh thành phố Long Xuyên (điểm đầu nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống từ QL lộ 80 đến nút giao lộ tẻ, điểm cuối tại giao QL 91), và Xây dựng 2 Km kết nối từ QL 91 vào tuyến tránh cũng như lên cầu Vàm Cống.

- Quốc lộ 91C kết nối từ thành phố Châu Đốc đến cầu Long Bình: nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV với 02 làn xe.

- Quốc lộ N1: đoạn đi qua địa bàn tỉnh được mở trên cơ sở nâng cấp một đoạn ĐT.955A, điểm đầu từ cầu Tân Châu đến ranh tỉnh Kiên Giang dài 67,3 km. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV với 2 làn xe.

- Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 945 từ quốc lộ 91 đi qua các huyện: Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn kết nối với tuyến hành lang ven biển của tỉnh Kiên Giang.

- Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu – Hồng Ngự qua sông Tiền thuộc tuyến N1.

- Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh cái dầu, Quốc lộ 91 – huyện Châu Thành.

- Tập trung hoàn thành các dự án: Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 957 kết nối từ thành phố Châu Đốc với cửa khẩu Khánh Bình; Dự án Nâng cấp tuyến đường phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp với đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên đoạn từ Châu Đốc – cửa khẩu Tịnh Biên (ĐT 955A), thành phố Châu Đốc và huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Dự án xây dựng cầu Tân An trên tuyến đường tỉnh 952 thị xã Tân Châu.

b. Đường thủy:

Tranh thủ các nguồn lực ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối giữa An Giang, vùng đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo chạy tầu 24/24h; xây dựng và nâng cấp một số cảng chính, bến hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

- Dự án Cải tạo Kênh Vĩnh Tế dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia. Cải tạo sông Bình Di, sông Châu Đốc.

- Thông luồng tuyến sông Hậu – qua cửa Định An – Tân Châu (An Giang).

- Cảng Mỹ Thới: Nâng cấp và xây dựng 2 cầu tàu đảm bảo tiếp nhận tàu 10.000 DWT. Hoàn chỉnh toàn bộ kho bãi trên phạm vi khu đất mở rộng để nâng tổng công suất cảng lên 3,5 triệu tấn/ năm, trong đó container khoảng 130.160 TEU/năm.

- Cảng Bình Long: Đến năm 2020, nâng cấp đạt công suất là 0,3 triệu T/năm. Gồm 2 khu: khu làm hàng bao kiện và khu làm hàng rời. Gồm 1 bến cho tàu đến 500 tấn, dài 50m và nâng cấp 1 bến cho tàu đến 1.000T, dài 70 m. Giữ nguyên quy mô kho bãi; Định hướng đến năm 2030: đầu tư mở rộng bãi hàng, nâng cấp chất lượng thiết bị bốc xếp, nâng cấp bến cho phương tiện đến 3.000T; công suất 0,6 triệu T/năm.

- Cảng bốc xếp hàng hóa An Giang: Đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải ≤ 1.000T, công suất đạt 300.000T/năm vào năm 2020 và đến năm 2030 đạt 500.000T/năm.

- Cảng Tân Châu: Thuộc phường Long Châu, TX.Tân Châu, có vai trò là đầu mối cho phương tiện thủy nội địa giao thương với Campuchia. Đến năm 2020, xây mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải ≤ 2.000T, công suất đạt 500.000T/năm. Đến năm 2030, đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải ≤ 5.000T, công suất đạt 1 triệu T/năm.

- Bến hàng hóa: Vàm Cống, Bình Đức, Bình Hòa, Núi Sập, Tri Tôn, Chi Lăng, Vĩnh Xương và Tịnh Biên.

[...]