Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/T.Ư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 16/NQ-CP
Ngày ban hành 08/06/2012
Ngày có hiệu lực 08/06/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/NQ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/T.Ư NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2012 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ NHẰM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI VÀO NĂM 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/T.Ư NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2012 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ NHẰM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI VÀO NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ)

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16 tháng 01 năm 2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 13), Chính phủ ban hành Chương trình hành động (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Chương trình xác định các nhiệm vụ chủ yếu, có tính tổng hợp, bao quát của Chính phủ để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

2. Chương trình có tầm nhìn tổng thể, dài hạn, đưa ra được các nhiệm vụ cụ thể về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật then chốt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo đột phá phát triển và có tác động lan tỏa lớn.

3. Chương trình là căn cứ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết 13 đề ra. Các nhiệm vụ đặt ra trong chương trình phải được cân đối với nguồn lực có thể huy động được nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết 13. Đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ chung

- Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Luật quy hoạch, Luật thủy lợi; sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đô thị,… các Luật khác có liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý và môi trường thuận lợi thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hòa cho Nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của các ngành, vùng, địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, liên vùng trên phạm vi cả nước, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung sửa đổi các quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng theo hướng rút ngắn thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm.

2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Đối với hạ tầng giao thông

- Xây dựng đề án huy động vốn cho đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020, đảm bảo tính khả thi.

[...]