ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 50/KH-UBND
|
Kiên Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC, TẬP TRUNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU
HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ” GIAI ĐOẠN 2015-2020
Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng
giao thông đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, các tuyến giao thông trọng yếu về đường
bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không đã hoàn thành đưa vào khai
thác; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống
của nhân dân. Giao thông nông thôn tiếp tục có bước phát triển đáng kể theo
đúng mục tiêu và quy hoạch, đã huy động trên 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng giao
thông nông thôn, đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa trên 60%. Kết
quả đầu tư phát triển giao thông nông thôn đã thúc đẩy phát triển sản xuất,
tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, ổn định đời sống, tăng
cường khả năng phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại khi có lũ; đáp ứng yêu
cầu phát triển kinh tế; giải quyết hiệu quả các vấn đề văn hóa, xã hội (như đời
sống, sản xuất, việc làm…).Việc sử dụng có hiệu quả các
nguồn ngân sách nhà nước, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn
chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay ODA..., đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
giao thông, có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc
phòng, an ninh. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, mật độ đường giao thông khu
vực vùng sâu, xa còn thấp so với bình quân cả nước; nhiều
tuyến đường liên xã chưa đi lại được bốn mùa, nhiều điểm vượt sông bằng phà,
chưa có đường cầu qua sông, kênh, đặc biệt là hạ tầng giao
thông quan trọng như hải cảng, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; đầu mối giao
thông; bến bãi..., cần thiết phải đầu tư để tạo nên những bước đột phá về kinh
tế. Giao thông đường thủy nội địa vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên là chính, hạn
chế lớn nhất là không đồng cấp trên các tuyến vận tải chính, không đồng bộ giữa
cảng và luồng tàu vào cảng; hạ tầng kỹ thuật cảng và bến thủy nội địa thấp chưa đáp ứng tốc độ phát triển.
Kết nối đa phương thức giữa vận chuyển hàng không với phương thức vận chuyển đường
bộ, đường biển chưa hiệu quả, còn bị động. Công tác thu hút đầu tư bằng hình thức
đối tác công tư (PPP) còn hạn chế.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; Chương trình hành động số
06-Ctr/TU ngày 08/3/2016 của Tỉnh ủy và Quyết định số 2843/QĐ-UBND ngày 14
tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Kiên Giang về phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực,
tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ” giai đoạn
2015-2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
một cách đồng bộ, hợp lý, giữa đường bộ, đường thủy; kết nối hợp lý với hệ thống
giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông thông suốt,
hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần
gìn giữ ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh; đáp ứng yêu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tăng thu nhập và nâng cao mức sống
người dân nông thôn; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một
gia tăng; phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường sinh thái và
phát triển bền vững. Kết hợp đầu tư xây dựng hệ thống kết
cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an
ninh trên địa bàn biên giới và biển đảo.
2. Yêu cầu:
Xác định được kế hoạch cụ thể đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Xác định nội dung ưu
tiên, phân kỳ nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ
sở cho việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020 và
sau năm 2020 dựa trên cơ sở khả năng nguồn vốn đầu tư nhằm sử dụng một cách có
hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao chất lượng khai thác. Phối hợp tích cực để
Trung ương sớm đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ, xây dựng mới
các tuyến đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh, kết nối với vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
II. KẾ HOẠCH HUY ĐỘNG
NGUỒN LỰC, TẬP TRUNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ
1. Mục tiêu phát triển kết cấu hạ
tầng giao thông đồng bộ đến năm 2020
1.1. Về
đường bộ:
- Đầu tư Dự án đường Hành lang ven biển
phía Nam (giai đoạn 2 và cửa khẩu quốc tế Hà Tiên); xây dựng mới thay thế cầu yếu
trên tuyến Quốc lộ 80; xây dựng hoàn thành đường Hồ Chí Minh, đoạn Lộ Tẻ - Rạch
Sỏi; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61 (đoạn Bến Nhứt - Rạch Sỏi).
Triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Gò Quao đến Vĩnh Thuận trong giai đoạn
2016 - 2020 và đường Quốc lộ N1.
- Ưu tiên xây dựng giao thông ở những
vùng khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, giảm sự chênh
lệch giữa các vùng. Phấn đấu xóa các điểm vượt sông bằng phà trên các tuyến đường
huyện nhằm phát huy năng lực khai thác và đảm bảo an toàn giao thông; tập trung
đầu tư đạt 80% trở lên đường ấp - liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100%
xã đảo có đường quanh đảo và bến cập tàu.
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống
đường tỉnh theo quy hoạch: ĐT.966 (Thứ Hai - Công Sự); đường ra cửa khẩu Quốc gia Giang Thành; triển khai xây dựng đường ven sông Cái Lớn (đoạn
An Biên - U Minh Thượng và một phần thuộc huyện Gò Quao)
và tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành);
hoàn thành ĐT.964 (đoạn Thứ Nhất - Xẻo Nhàu); hoàn thành đường Đồng Tranh (từ
ĐT.973 đến Bãi Vòng). Huy động các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa ĐT.963
(ưu tiên xây dựng cầu Bông Súng); ĐT.965B (An Minh Bắc - Thứ Mười Một - Vân
Khánh); ĐT.961 (Vĩnh Thông - Phi Thông - Tân Hội); ĐT.962 (Lộ Quẹo - Gò Quao -
Vĩnh Tuy); ĐT.968 (Chín Rưỡi - Xẻo Nhàu); ĐT.969B (Gàn Gừa - Thổ Sơn - Lình Huỳnh);
ĐT.971 (Tỉnh lộ 11); ĐT.975B (đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu); Đường tỉnh
972 (đường ra cửa khẩu quốc tế Hà Tiên). Đối với đảo Phú Quốc hoàn thành đường
trục chính Bắc - Nam, đường vòng quanh đảo, các tuyến đường nhánh trên đảo và
đường trục chính đô thị.
- Đầu tư các tuyến đường giao thông
trục chính trên địa bàn thành phố Rạch Giá; thị xã Hà Tiên; các huyện Kiên
Lương, Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Gò Quao, An Biên, Kiên Hải, Phú Quốc; các
tuyến đường hạ tầng khu du lịch, từng bước xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ
thống đô thị, đảm bảo phù hợp với Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai
đoạn 2012-2020 theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng
Chính phủ.
1.2. Về
đường thủy nội địa: Đầu tư
nạo vét từng đoạn trên tuyến Rạch Giá - Hà Tiên, Rạch sỏi - Hậu Giang; mở rộng
tuyến đường thủy Quốc gia Rạch Giá - Hà Tiên tại vị trí ngã ba giao với cầu Cái
Tre (trên tuyến Quốc lộ 80) nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy
vào Khu công nghiệp Kiên Lương và cải tạo tĩnh không cầu
Cái Tre. Nạo vét các cửa biển phục vụ cho vận tải đường thủy từ đất liền ra đảo
an toàn và thuận lợi. Nâng cấp, mở rộng Cụm cảng thủy nội địa Hà Tiên; Kiên
Lương và An Biên.
1.3. Về
đường biển: Tập trung xây dựng hoàn thành Cảng Hành
khách quốc tế Phú Quốc; nâng cấp, mở rộng cảng Bãi Vòng; xây dựng Cảng dịch vụ
dầu khí Phú Quốc tại Mũi Đất Đỏ và cảng nội địa tổng hợp Vịnh Đầm; nâng cấp mở
rộng cảng Rạch Giá; xây dựng cảng Hòn Chông. Và lắp hệ thống phao báo hiệu tuyến
luồng hàng hải vào cảng Rạch Giá, Hà Tiên.
1.4. Về
hàng không: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện
đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Rạch Giá.
1.5. Về
hệ thống bến bãi: Xây dựng các bến xe, điểm đỗ xe phục
vụ nhu cầu đi lại của người dân được thuận tiện và nhanh chóng.
2. Kế hoạch đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đến năm 2020
2.1. Kế hoạch đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng giao thông:
2.1.1. Năm 2016-2017:
a) Về
đường bộ:
- Các tuyến Quốc lộ: Đề nghị Bộ Giao
thông vận tải triển khai đầu tư đối với Dự án đường Hành lang ven biển giai đoạn
2 (bao gồm Hợp phần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên); đầu tư xây
dựng thay thế các cầu yếu trên tuyến Quốc lộ 80, gồm: Cầu Vàm Răng (Km138+143); cầu Lình Huỳnh (Km151+031) và cầu Ba Hòn
(Km182+881). Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ
Giao thông vận tải trong việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ -
Rạch Sỏi và sử dụng vốn dư để tiếp tục mở rộng giai đoạn 1
với quy mô 06 làn xe, đảm bảo nền Bn=33m. Nâng cấp mặt đường Quốc lộ 61 đoạn từ
Bến Nhứt đến Rạch Sỏi dài 18,45Km đạt tiêu chuẩn đường cấp
III. Chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch sỏi - Bến
Nhứt - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đường Quốc lộ N1 (Tịnh Biên
- Hà Tiên), làm cơ sở triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Các tuyến đường tỉnh (ĐT) và đường
huyện (ĐH), gồm:
+ Tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua
đô thị trên địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành): Hoàn thành công
tác chuẩn bị đầu tư với quy mô đồng bộ với đường 3/2, bề rộng 21m. Và các thủ tục
cần thiết để triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
+ ĐT.961 (Vĩnh Thông - Phi Thông -
Tân Hội): Khảo sát, lập dự án và trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi về đầu
tư xây dựng mới 05 cầu, gồm: Cầu Đập Đá, Nguyễn Hữu An, Năm Vụ, Cống Xã và cầu
Huế Bá với quy mô đầu tư: Tải trọng xe khai thác 0,65HL.93 và gia cố lề đường
toàn tuyến dài khoảng 22km.
+ ĐT.962 (Lộ Quẹo - Gò Quao - Vĩnh
Tuy): Khảo sát, lập dự án và trình duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật về đầu tư xây
dựng mới cầu Mương Lộ thay thế cầu cũ. Quy mô đầu tư: Tải trọng xe khai thác
0,65HL.93.
+ ĐT.963: Xây dựng hoàn thành cầu
Bông Súng đưa vào khai thác trong năm 2017.
+ ĐT.964 (Kênh Chống Mỹ): Xây dựng hoàn
thành các hạng mục chuyển tiếp. Khảo sát, lập dự án và trình duyệt báo cáo
nghiên cứu khả thi về đầu tư nâng cấp 02 cầu, dỡ bỏ và xây dựng mới 05 cầu thay
thế cầu cũ đã xuống cấp, làm cơ sở triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
+ ĐT.965B (An Minh Bắc - Thứ Mười Một
- Vân Khánh): Hoàn thành nâng cấp, mở rộng đoạn từ thị trấn Thứ Mười Một và kết
nối với đường Hành lang ven biển phía Nam; đầu tư xây dựng thay thế các cầu yếu
và kè chống lở nền đường.
+ ĐT.966 (Thứ Hai - Công Sự): Hoàn
thành công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng trong năm 2017. Nguồn vốn
hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thuộc Chương trình phát triển kinh tế vùng và
các nguồn vốn khác.
+ ĐT.968 (Chín Rưỡi - Xẻo Nhàu): Xây
dựng hoàn thành đưa vào khai thác cầu Thứ Chín Rưỡi trong năm 2017.
+ ĐT.969B (Gàn Gừa - Thổ Sơn - Lình
Huỳnh): Xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 04 cầu và mở rộng 01 cống có bề rộng
và tải trọng đồng bộ với các hạng mục công trình trên tuyến.
+ ĐT.971 (đoạn Ba Hòn - Hòn Trẹm):
Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng trong năm 2017.
+ ĐT.975B (đường Dương Đông - Cửa Cạn
- Gành Dầu): Phối hợp với nhà đầu tư triển khai xây dựng nâng cấp mở rộng Dương
Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu (đường ven biển phía tây đảo) và tuyến nhánh kết nối,
đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao).
+ ĐT.975C (đoạn từ Trung tâm Hành
chính xã Bãi Thơm đến Bãi Bổn, Hàm Ninh).
+ Đường cửa khẩu Giang Thành: Triển
khai xây dựng đoạn từ kênh Hà Giang đến ngã ba đường trong khu quy hoạch cửa khẩu
Giang Thành, dài khoảng 4.300m.
+ Đường ven sông Cái Lớn: Hoàn thành
công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng trong năm 2017.
- Giao thông nông thôn (GTNT): Tập
trung xây dựng các tuyến đường nông thôn mới để nâng chỉ số mật độ đường GTNT đảm
bảo mức độ bao phủ đường GTNT rộng khắp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân
dân và kết nối hợp lý với mạng lưới đường tỉnh và quốc lộ. Tổng số km đường
GTNT được xây dựng mới khoảng 1.640km. Trong đó: Kế hoạch năm 2016 -2017: Thực
hiện tăng thêm 656km, nâng tổng số km đường GTNT của tỉnh lên 5.035km/7.084km đạt
71%. Triển khai Hợp phần Local Road Assets Management Project - LRAMP trên địa bàn tỉnh 10/38 cầu.
- Hệ thống đường huyện, thị xã, thành
phố: Xây dựng mạng lưới đường đô thị theo quy hoạch được duyệt. Trong đó:
+ Thành phố Rạch Giá, gồm: Đường Lâm
Quang Ky (đoạn Đống Đa - Trần Khánh Dư) hoàn thành các thủ tục và triển khai đầu
tư trong quí I/2017. Đường Nguyễn Chí Thanh hoàn thành đưa
vào khai thác trong quí I/2017. Đường đê biển qua thành phố
Rạch Giá xây dựng hoàn thành trong năm 2017.
+ Thị xã Hà Tiên: Hoàn thành công tác
chuẩn bị đầu tư đối với dự án đầu tư đường ra Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, dài
8,44km, đường cấp III. Xây dựng hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội xã Tiên Hải.
+ Huyện Kiên Lương: Hoàn thành công
tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Kè - Đường huyện Kiên Lương và Dự án
đường Bình An - Rạch Đùng - Hòn Trẹm theo hướng huy động doanh nghiệp khu vực dự
án.
+ Huyện Giang Thành: Xây dựng hoàn
thành Đường T3 (đoạn qua địa bàn huyện Giang Thành).
+ Huyện Tân Hiệp: Triển khai đầu tư
xây dựng ĐH. Kênh Xáng Chưng Bầu, hạng mục nâng cấp mở rộng nền, mặt đường dài
16,36km đạt tiêu chuẩn cấp VI, giải phóng mặt bằng làm cơ sở triển khai xây dựng
mới 10 cầu tải trọng xe ô tô 0,65HL-93, trong giai đoạn 2016-2020.
+ Huyện Giồng Riềng: Xây dựng hoàn
thành công trình kè chống sạt lở nền đường nhằm nâng cao năng lực khai thác tuyến
đường, đảm bảo giao thông thuận tiện.
+ Huyện Gò Quao: Hoàn thành công tác
chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Trung tâm thị trấn Gò Quao.
+ Huyện Hòn Đất: Hoàn thành công tác
chuẩn bị đầu tư trong năm 2017 đối với đường huyện ĐH. Nam Thái Sơn. Hoàn thành
công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2017 đối với Đường ĐH. Mỹ Thái (gồm: 2,0km
đường bê tông xi măng và 06/19 cầu) và đường ĐH. Kiên Hảo (Mỹ Phước), còn lại
04 cầu.
+ Huyện An Biên: Hoàn thành cầu vượt
Kênh Chống Mỹ và triển khai xây dựng cầu vượt Kênh Tân Bằng - Cán Gáo theo hình
thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT trên tuyến đường ĐH. Nam Thái A để kết nối giao thông đến Khu đô thị Thứ Bảy
(Quốc lộ 63) với Đường tỉnh 964.
+ Huyện An Minh: Hoàn thành công tác
chuẩn bị đầu tư Đường huyện KT1.
+ Huyện Kiên Hải: Hoàn thành Dự án đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã đảo Lại
Sơn, Nam Du, An Sơn (đầu tư xây dựng đường và bến cập tàu trên xã Lại Sơn, An Sơn và đảo Hòn Ngang, Hòn Mấu xã Nam Du).
+ Huyện Phú Quốc: Hoàn thành công tác
chuẩn bị đầu tư đường Ngô Quyền (đoạn từ cầu Nguyễn Trung Trực đến đường Nguyễn
Huệ); đường thị trấn Dương Đông - Khu du lịch Đá Bàn; đường Bắc đảo Phú Quốc.
Xây dựng hoàn thành đường Trung tâm đoạn 1 - Khu vực Bãi Trường; đường Trung
tâm đoạn 3 và các đường nhánh - Khu vực Bãi Trường; đường Đồng Tranh.
- Hạ tầng khu du lịch: Hoàn thành
công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử thắng cảnh
núi Mo So, huyện Kiên Lương và hồ Hoa Mai, huyện U Minh
Thượng.
b) Về
hạ tầng giao thông đường thủy: Hoàn thành công tác chuẩn
bị đầu tư các cảng, bến thủy nội địa, gồm: Cảng Hà Tiên; Bến tổng hợp tại Kiên Lương; Cảng Nam Du - Kiên Hải; Cảng Thổ Châu - Phú
Quốc; Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp trên sông Cái Lớn. Xây dựng hoàn thành đưa
vào khai thác Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc tại Dương Đông - Phú Quốc; chuẩn
bị đầu tư Cảng Bãi Vòng - Phú Quốc, Cảng Mũi Đất Đỏ - Phú Quốc, Cảng Hòn Chông
- Kiên Lương và Cảng Rạch Giá.
2.1.2. Năm 2018 - 2020:
a) Về đường bộ:
- Xây dựng hoàn thành các dự án Trung
ương đầu tư trên địa bàn, gồm: Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam (SCCP2);
Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Quốc lộ 61
và đường Hồ Chí Minh (đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận).
- Xây dựng hoàn thành các tuyến đường
tỉnh, gồm: Tuyến đường bộ ven biển; ĐT.961; ĐT.962; ĐT.964, xây dựng hoàn thành
nâng cấp 02 cầu và xây dựng mới 05; ĐT.965B; ĐT.966; ĐT.971; ĐT.975B (đường
Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu); ĐT.975C (Đoạn Bãi Thơm đến Bãi Bổn, xã Hàm
Ninh); đường cửa khẩu Giang Thành (đoạn từ biên giới đến Trung tâm Hành chính
huyện Giang Thành); đường ven sông Cái Lớn (đoạn An Biên - U Minh Thượng và một phần thuộc huyện Gò Quao).
- Giao thông nông thôn: Tập trung xây
dựng các tuyến đường giao thông nông thôn với khối lượng
thực hiện khoảng 984km, nâng tổng chiều dài đường GTNT lên 6.130km đạt tỷ lệ 80%, mức độ bao phủ đạt
0,97km/km2; hoàn thành Hợp phần Local Road Assets Management Project - LRAMP trên địa bàn tỉnh 28/38 cầu.
b) Về giao thông đường thủy: Đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác Cảng Hà Tiên, Bến tổng hợp
tại Kiên Lương, Cảng Nam Du - Kiên Hải, Cảng Thổ Châu - Phú Quốc, Cảng dịch vụ
dầu khí tổng hợp trên sông Cái Lớn. Đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai
thác giai đoạn 1 Cảng Bãi Vòng - Phú Quốc, Cảng Mũi Đất Đỏ - Phú Quốc, Cảng Hòn
Chông, Cảng Rạch Giá.
III. GIẢI PHÁP HUY
ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC
- Công bố rộng rãi danh mục, kế hoạch
đầu tư đến năm 2020, bao gồm các danh mục kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp để định
hướng cho các nhà đầu tư lựa chọn. Nghiên cứu, chuyển đổi mô hình quản lý, chuyển
nhượng quyền khai thác một số công trình hạ tầng giao thông (cầu đường bộ, cảng
biển, bến thủy nội địa, bến xe...) phù hợp đặc điểm từng dự án.
- Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến
khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài
nước tham gia đầu tư. Chủ động lập đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, huy động
các nguồn vốn đầu tư xây dựng.
- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tập
trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh, gồm: Triển
khai đầu tư Dự án đường Hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 2 và cửa khẩu quốc
tế Hà Tiên); xây dựng mới thay thế cầu yếu trên tuyến Quốc lộ 80; xây dựng hoàn
thành đường Hồ Chí Minh, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61 (đoạn
Bến Nhứt - Rạch Sỏi). Kiến nghị đầu tư đường quốc lộ N1,
đoạn qua tỉnh Kiên Giang; triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ Gò Quao đến
Vĩnh Thuận trong giai đoạn 2016 - 2020. Tranh thủ các nguồn vốn Trung ương tập
trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường tỉnh, đường huyện đúng theo
quy hoạch; sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh.
- Đề nghị Bộ
Giao thông vận tải đầu tư nạo vét một số tuyến đường thủy quan trọng để phục vụ
nhu cầu vận tải. Kết hợp với thủy lợi
trong việc ổn định dòng sông, vừa có tác dụng cho giao thông, vừa có tác dụng
cho thủy lợi, tận thu tài nguyên sau khi nạo vét để phục vụ xây dựng công trình
(đắp nền cho giao thông nông thôn; san lấp nền cho các khu dân cư, các điểm dân
cư theo quy hoạch).
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Đề nghị các sở,
ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tiếp tục quán triệt Chương trình hành
động số 06-CTr/TU ngày 08/3/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng
bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền
các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Đảng; chương trình, kế hoạch của Ủy
ban nhân dân tỉnh, cùng với các chương trình, hành động cụ thể của các ngành,
các cấp.
2. Trách nhiệm Sở
Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch này; tiếp tục
thực hiện rà soát các quy hoạch ngành; rà soát, đề xuất danh mục các dự án ưu
tiên đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực. Chịu trách nhiệm khai thác
nguồn lực qua Bộ Giao thông vận tải để thực hiện các dự án do Trung ương đầu tư
trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu ứng dụng tốt các tiêu
chuẩn, quy trình, quy phạm (TCVN và TCN) về giao thông và xây dựng của Việt Nam
hiện hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác và bảo trì đối với
các cảng biển, đặc biệt là hệ thống cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng biển quốc
tế. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế nóng mặt đường bê tông nhựa nóng đối
với kết cấu mặt đường cũ. Nghiên cứu lựa chọn kết cấu và vật liệu cho kết cấu
áo đường mềm trên các tuyến giao thông nông thôn có tải trọng nặng, lưu lượng lớn
cho phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương.
- Tăng cường quản lý đầu tư, bảo đảm
mục tiêu đầu tư, tiến độ và chất lượng công trình; tuân thủ đúng các nguyên tắc,
trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư về lựa chọn nhà thầu, thực hiện đấu thầu rộng
rãi qua mạng để lựa chọn nhà thầu có chất lượng cao; tăng cường công tác giám
sát, thanh tra kiểm tra để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu
tư công; khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát cộng đồng đối với
các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
- Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực
hiện Đề án sau khi kết thúc từng giai đoạn cụ thể. Tổng kết đánh giá Đề án khi
kết thúc vào cuối năm 2020.
3. Trách nhiệm Sở
Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Giao
thông vận tải và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban
hành danh mục các công trình, dự án trọng điểm để xúc tiến kêu gọi đầu tư; phối
hợp với Sở Tài chính và các đơn vị chủ trì thực hiện dự án, tham mưu bố trí vốn
thực hiện theo kế hoạch. Vận dụng các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu
tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
4. Trách nhiệm Sở
Tài chính: Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc
các chủ đầu tư, các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện công tác thanh toán,
quyết toán các công trình, dự án hoàn thành.
5. Trách nhiệm Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu cho UBND tỉnh
trong phân bổ sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các
công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên đầu
tư hệ thống giao thông, thủy lợi theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015
về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải
đầu tư xây dựng các cảng/bến thủy nội địa tổng hợp Nam Du, Thổ Châu.
6. Trách nhiệm Sở
Xây dựng: Chủ trì, phối hợp Sở
Giao thông vận tải quản lý nhà nước về chất lượng công trình, dự án đầu tư xây
dựng giao thông trên địa bàn tỉnh.
7. Trách nhiệm Sở
Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì thẩm định, đánh
giá tác động môi trường có lưu ý đến sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng của
các dự án đầu tư theo quy định. Cập nhật nhu cầu quỹ đất theo kế hoạch, hướng dẫn
các chủ đầu tư các thủ tục cấp đất, thuê đất theo quy định. Phối hợp với địa
phương có dự án để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
8. Trách nhiệm
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo thực hiện
lồng ghép các quy hoạch ngành với quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương gắn
với Kế hoạch này để tránh chồng chéo. Phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường
giải phóng mặt bằng, tái định cư; làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho
nhân dân biết các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục tiêu đầu tư của
các dự án, đặc biệt là nhân dân trong vùng dự án thuộc diện bồi thường giải
phóng mặt bằng, tái định cư. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong quá
trình triển khai thực hiện dự án.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án
“Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng
bộ” thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08/3/2016 của Tỉnh ủy thực
hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; Sở Giao thông vận tải
là cơ quan được giao quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh
chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương, đồng
thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa
phương để thực hiện hoàn thành theo Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực
hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về Ủy ban nhân
dân tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp,
bảo đảm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đề ra./.
Nơi nhận:
- TT.TU; TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP và CVNC;
- Lưu: VT, tthuy.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Anh Nhịn
|