Kế hoạch 2530/KH-BHXH năm 2024 thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 2530/KH-BHXH
Ngày ban hành 26/07/2024
Ngày có hiệu lực 26/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Thế Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2530/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 09/5/2024 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 42-NQ/TW NGÀY 24/11/2023 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM, BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (sau đây gọi là Nghị quyết số 42) và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW (sau đây gọi là Nghị quyết số 68 của Chính phủ) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của Ngành BHXH Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành BHXH trong tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), thu - chi bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

- Xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và kế hoạch hành động nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Chương trình hành động số 883-Ctr/BCSĐ ngày 14/5/2024 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 42.

- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch công tác, kịp thời triển khai theo chức năng, nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42, Chương trình hành động số 883-Ctr/BCSĐ ngày 14/5/2024 của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam.

2. Yêu cầu

- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân tổ chức quán triệt Nghị quyết số 68 của Chính phủ và của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 68 của Chính phủ đảm bảo thực chất, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hài hòa các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu gắn với phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.

- Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành BHXH Việt Nam phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng về chủ trương, định hướng chính sách nêu tại Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam gắn với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, từ đó tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững, phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Toàn Ngành BHXH Việt Nam triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 68 của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; từng bước đề xuất xây dựng hoàn thiện chính sách theo hướng mở rộng bền vững diện bao phủ BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo đúng quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng; tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình nghiệp vụ thu, giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT; liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành, sẵn sàng kết nối với cơ chế một cửa quốc gia; liên thông dữ liệu nghiệp vụ quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, khám chữa bệnh BHYT; nghiên cứu, đề xuất quy định để thực hiện dần thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bản giấy bằng bản điện tử; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và phục vụ yêu cầu ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, tăng mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT.

2. Các mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2025

- Phấn đấu đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; 95% dân số tham gia BHYT, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 98%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT đạt mức 85%.

- Số người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị đạt 75%.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: (1) 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; (2) 95% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật của nhà nước); (3) 100% người tham gia BHXH, BHTN, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt ứng dụng Vss-ID - Bảo hiểm xã hội số để theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHTN, BHYT, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (4) 100% người dân tham gia BHYT được cấp căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT khi đi khám bệnh.

b) Giai đoạn đến năm 2030

- Phấn đấu đạt 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; trên 97% dân số tham gia BHYT; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT đạt mức 90%.

- Số người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hằng năm luôn tăng trưởng bền vững, trong đó tại khu vực đô thị đạt trên 78%.

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Ngành BHXH Việt Nam để đạt các yêu cầu trong tình hình mới, tích hợp, liên thông, liên kết, xử lý tập trung: (1) Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; (2) Kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác để triển khai dịch vụ công và tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị sử dụng lao động và triển khai kiểm tra, kiểm soát dựa trên dữ liệu lớn; (3) 100% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tái cấu trúc và ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; (4) 100% hồ sơ công việc của Ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

c) Tầm nhìn đến năm 2045

Từ năm 2031 trở đi, phấn đấu hàng năm đảm bảo tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững lực lượng lao động tham gia BHXH, BHTN, dân số tham gia BHYT, số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT và số người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt năm sau cao hơn năm trước.

III. GIẢI PHÁP, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Giải pháp

1.1. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN

[...]