Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP và Kế hoạch 181-KH/TU triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 241/KH-UBND
Ngày ban hành 07/11/2022
Ngày có hiệu lực 07/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 11 năm 2022  

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 88/NQ-CP NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 181-KH/TU NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 181-KH/TU ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban nhân dân (gọi tắt là UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 181-KH/TU ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ và Kế hoạch số 181-KH/TU ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xác định những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các Doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để phát triển bền vững ngành địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của tỉnh.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc tổ chức thực hiện và quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

3. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn trước mắt cũng như về lâu dài.

4. Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Nội dung

- Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản; Thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới.

- Khẩn trương lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch, đến giữa năm 2023, hoàn thành việc lập quy hoạch.

- Khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu trước mắt, lâu dài, phù hợp với quy hoạch về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á.

- Đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp phục vụ thi công các công trình trọng điểm Quốc gia, các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn.

- Đến cuối 2025, tổ chức tổng kết thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 27/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

2. Nhiệm vụ

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tập trung thực hiện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, phát triển công nghiệp khai khoáng; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, phát triển công nghiệp khai khoáng; bảo vệ môi trường, sinh thái, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản. Đào tạo cán bộ quản lý, khoa học - kỹ thuật, chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề cho ngành Địa chất, khoáng sản. Xây dựng chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành địa chất, khoáng sản

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì triển khai các Văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, các đường lối chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các Doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đng thời, rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập về địa chất, khoáng sản, quy hoạch; quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản,...

- Phối hợp góp ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành hồ sơ xây dựng dự án Luật Khoáng sản sửa đổi.

- Tiếp tục phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai các bước đtrình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Đồng Nai theo quy định của Luật Quy hoạch. Khẩn trương lập, phê duyệt phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Rà soát đề xuất điều chỉnh sản lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn theo quy định của Luật Quy hoạch theo hướng ưu tiên cho nhu cầu sử dụng khoáng sản cho các công trình trọng điểm quốc gia, công trình trọng điểm của tỉnh.

- Phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đảm bảo tiến độ chuyển đổi số ngành địa chất, khoáng sản đã được Chính phủ phê duyệt; đến năm 2025 công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện trên nền tảng số, thống nhất phôi cấp phép khoáng sản trên phạm vi cả nước.

- Rà soát, chấm dứt các giấy phép thăm dò chậm triển khai thực hiện các thủ tục để cấp phép khai thác theo quy định; Các khu vực thăm dò không đảm bảo khoảng cách với khu dân cư, không đảm bảo cảnh quan môi trường.

- Thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình, tính hiệu quả đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản được cấp phép, đề ra hướng quản lý phù hợp, hiệu quả.

- Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

- Định kỳ 6 tháng tổ chức báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 27/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đến cuối 2025, tổ chức tổng kết thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 27/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

[...]